
Tội danh "Sử dụng trái phép chất ma túy" không có trong Bộ luật Hình sự 2015 nhưng đã từng hiện diện tại điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999; theo đó người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, ai tái phạm sẽ bị phạt 2-5 năm tù.
Theo quy định hiện hành, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính với mức cảnh cáo hoặc phạt tiền 1 - 2 triệu đồng và cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên khi xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (được Bộ Tư pháp công bố hôm 2/4), Bộ Công an đề xuất bổ sung tội danh "Sử dụng trái phép chất ma túy" vào điều 256a: Cụ thể, người đang trong thời gian hoặc đã từng cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 3 năm; tái phạm thì bị phạt tù 3 - 5 năm.
Dự thảo cũng đề xuất mức phạt tù 2 - 3 năm với những người đã có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng bỏ trốn.
Một số người coi hình phạt trên quá khắt khe với lý do trạng thái nghiện ma túy là bệnh lý. Tuy nhiên, rất dễ hiểu khi số đông dư luận ủng hộ đề xuất của Bộ Công an, coi việc xử lý hình sự trong các trường hợp trên là cực kỳ cần thiết. Vấn nạn ma túy đang hủy hoại con người và xã hội do bào mòn sức khỏe, làm suy yếu giống nòi, phá hoại đạo đức, văn hóa, trật tự, an ninh, an toàn xã hội, thiệt hại về kinh tế... và nhiều hệ lụy khác. Việc đấu tranh xóa bỏ nó không thể chỉ tập trung vào những kẻ sản xuất, buôn bán, vận chuyển mà còn phải hướng tới những người cố tình sử dụng.
Ma túy là tác nhân gây ra vô số vụ án mạng khủng khiếp, gần đây nhất là vụ án giết người tại Hà Nội ngày 6/4. Thanh niên 22 tuổi Hoàng Đức Thành (quê Yên Bái) trong cơn ngáo đá đã cầm dao đâm chết một phụ nữ tại tòa CT9A, Khu đô thị CE, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, sau đó đi đến nhiều căn hộ và gây thương tích cho 7 cư dân khác.
Hoàng Đức Thành tấn công và làm thương vong 8 người tại Quốc Oai.
Một vụ việc tương tự xảy ra chiều 22/7/2024, sau khi sử dụng ma túy, Nguyễn Văn Đông Khánh (25 tuổi, Quảng Nam) đâm nhiều nhát dao vào một người đàn ông không quen biết, chỉ tình cờ gặp trên đường, khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Rõ ràng, trong cơn phê ma túy, người nghiện không còn được lý trí kiểm soát và có thể làm bất cứ việc gây hại nào, có thể gây tội ác mà không chớp mắt. Vì thế, người nghiện ma túy có nghĩa vụ điều trị để không còn bị ma túy khống chế, để bản thân không còn là mối nguy hiểm cho đồng loại.
Trạng thái nghiện ma túy là bệnh lý, nhưng xã hội và pháp luật tạo điều kiện cho họ cai, nếu đang trong quá trình cai nghiện hoặc đã cai mà vẫn sử dụng thì đó là tội lỗi, là cố tình gây hại, xử lý hình sự là xứng đáng. Còn nương nhẹ thì chúng ta sẽ không bao giờ chiến thắng ma túy, vì những người sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể kiếm cớ bao biện cho hành vi của mình, tiếp tục đẩy đồng loại vào nguy hiểm.
Phạt tù những người cố tình dùng ma túy dù đang hoặc đã được cai nghiện, được điều trị không phải là tàn nhẫn với họ mà nhân văn, là cứu chính cuộc đời họ và bảo vệ lợi ích lâu dài của xã hội. Hình phạt nặng như vậy mới đủ để họ quyết tâm dứt bỏ ma túy, phục hồi sức khỏe. Ngồi tù 2 - 5 năm là cái giá đắt, nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với việc họ trở thành kẻ sát nhân, không chỉ phải chịu mức án nặng hơn mà còn bị ám ảnh suốt đời bởi tội ác. Tổn thất mà gia đình họ, gia đình nạn nhân và cộng đồng cũng nhẹ hơn.
Bên trong xưởng sản xuất ma túy lớn ở Khánh Hòa bị công an triệt phá hồi tháng 3.
Còn có người nghiện là còn có những kẻ bất chấp án tử hình để buôn bán "cái chết trắng", vì thế ngoài việc truy quét bọn gieo rắc ma túy, chúng ta còn phải "đánh" vào hành vi sử dụng, nghĩa là không để xuất hiện người nghiện mới và ngăn người đã điều trị tái nghiện.
Số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (nay là Sở Nội vụ) năm 2023 cho thấy một bức tranh đáng lo ngại: Tỷ lệ tái nghiện sau một năm là 70% và sau 2 năm là 65% sau. Con số này không chỉ phản ánh sự khó khăn trong quá trình duy trì kết quả cai nghiện mà còn cho thấy nguy cơ khổng lồ đối với xã hội. Do đó, việc đấu tranh chống sử dụng trái phép chất ma túy càng phải gắt gao, cứng rắn, nghiêm khắc hơn trước gấp nhiều lần.
Xã hội luôn mở rộng vòng tay, tạo điều kiện cho những người đánh mất bản thân vì ma túy tái hòa nhập, làm lại cuộc đời, nhưng điều kiện tiên quyết là họ phải hoàn toàn dứt bỏ được ma túy. Việc bổ sung tội danh "Sử dụng trái phép chất ma túy" trở lại Bộ luật Hình sự với mức án tối đa 5 năm tù là một biện pháp để hỗ trợ họ đạt mục tiêu đó.
Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ răn đe những người đang định buông thả bản thân và để ma túy điều khiển mình rằng cái giá của hành vi dùng ma túy có thể là cuộc sống tù tội, mất quyền công dân.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.