Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mối quan hệ phức tạp trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu

(VTC News) -

Ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu đã bị xáo trộn nghiêm trọng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm ngoái.

Hôm 21/3, lực lượng không quân Ấn Độ xác nhận đợt chuyển giao vũ khí lớn của Nga cho nước này không diễn ra như dự kiến. Lý do được cho là xuất phát từ những khó khăn trong vấn đề hậu cần do xung đột Ukraine. Đây là ví dụ mới nhất về việc Moskva không thể hoàn thành thỏa thuận vũ khí với New Delhi kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nga đóng vai trò quan trọng đối với quốc phòng của Ấn Độ khi là nhà cung cấp khí tài quân sự lớn nhất cho New Delhi. Tuy nhiên, những thách thức quân sự của Moskva đang diễn ra ở Ukraine buộc Ấn Độ phải tính đến phương án thay thế tăng năng lực sản xuất trong nước cũng như đa dạng hóa nhà cung cấp nước ngoài.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. (Ảnh: Sky News)

Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Nga có sự tăng trưởng mạnh trong chi tiêu quốc phòng. Điều này phần nào trấn an những nhà sản xuất vũ khí nội địa của nước này về thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, loạt đòn trừng phạt từ phương Tây khiến Moskva gặp khó trong việc hoàn thành nhiều đơn đặt hàng, đối mặt với nguy cơ mất thêm thị phần quốc tế.

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính, 6 quốc gia - Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức và Italia chiếm 80% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ năm 2018 đến năm 2022. Riêng Mỹ chiếm 40%, trong khi Nga đứng thứ hai với 16%.

Đối với Nga, thỏa thuận vũ khí là giải pháp quan trọng để tiếp cận với ngoại tệ mạnh. Trong khi các nhà xuất khẩu vũ khí cũng có được đòn bẩy đối với những nước tiếp nhận bằng cách định hình tình hình an ninh của họ, giúp thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng lâu dài với nhiều nước khác.

Tuy nhiên, sức mạnh ngành công nghiệp vũ khí của các quốc gia có thể dao động. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ngân sách tài trợ nhà nước cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga giảm rõ rệt, trong khi phần lớn cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí trước đây nằm dưới sự kiểm soát của Moskva đã trải rộng khắp Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, nhiều nước Đông Âu hiện tìm cách tương thích loại khí tài của họ với NATO, còn phương Tây cũng đang tính đến việc loại bỏ vũ khí của Nga.

Việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ giúp Nga duy trì ngành công nghiệp vũ khí trong những năm 1990. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Nga phát triển mạnh ngành công nghiệp vũ khí thông qua việc xây dựng lại cơ sở với số khách hàng cũ và mở rộng khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Mặc dù là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, nhưng ngành công nghiệp của Nga phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể trong nhiều năm gần đây. Doanh số bán hàng giảm sau khi nước này đối mặt với loạt biện pháp trừng phạt vào năm 2014. Thời điểm đó, các nước phương Tây hạn chế xuất khẩu công nghệ vào Nga, đồng thời trừng phạt những quốc gia mua vũ khí Moskva.

Doanh số bán vũ khí cho Trung Quốc - thị trường vũ khí lớn của Nga, cũng giảm đáng kể bắt đầu từ những năm 2000. Trong khi Trung Quốc đã phát triển ngành công nghiệp nội địa, nước này cũng bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài, sang những thị trường truyền thống của Nga.

Xe tăng Leopard 2 của Đức. (Ảnh: AFR)

Mỹ và các nước khác hưởng lợi

Những khó khăn của ngành công nghiệp quốc phòng Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát cũng khiến điện Kremlin phải tìm đến các nước trước đây là thị trường xuất khẩu vũ khí của Moskva. Truyền thông phương Tây cho rằng, Nga được cho là đã quay sang tìm kiếm phụ tùng thay thế từ Ấn Độ, đạn pháo từ Triều Tiên và mua máy bay không người lái, tên lửa từ Iran.

Ngược lại, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trang thiết bị vũ khí trị giá 30 tỷ USD và một số vũ khí mới nhất của nước này. Điều này khiến quân Nga gặp khó, dù quân Mỹ không can dự trực tiếp vào xung đột.

Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng mạnh vào năm 2022, một phần do thúc đẩy từ việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Các đồng minh Mỹ ngày càng cảnh giác với Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng tìm cách chớp lấy thời cơ để vượt lên khi ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang phải đối mặt nhiều khó khăn.

Pháp chiếm 7% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013 - 2017. Tuy nhiên, con số này tăng lên 11% vào giai đoạn 2018 - 2022. Pháp cũng đang tìm cách khôi phục hình ảnh của nước này với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu sau khi Australia, Mỹ và Vương quốc Anh ký kết thoả thuận AUKUS năm 2021, thay thế chương trình tàu ngầm Pháp -  Australia.

Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ. Nước này đạt thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu Rafale cho hải quân Ấn Độ. Paris đã giao 36 chiếc cho New Delhi kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm 2016. Lệnh trừng phạt của phương Tây với Moskva ngăn cản Nga tiếp cận phụ tùng sản xuất vũ khí. Serbia - một khách hàng vũ khí khác của Nga, tuyên bố đang đàm phán để đặt hàng máy bay phản lực của Pháp.

Ngành công nghiệp vũ khí của Đức cũng đã xuất khẩu số lượng lớn trong những năm gần đây. Năm 2022 là năm xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trong lịch sử Đức khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đối mặt khó khăn khi cố gắng gửi xe tăng Leopard do Đức chế tạo tới Ukraine. Điều này cho thấy, loạt vấn đề ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vũ khí phương Tây.

Nhiều xe tăng Leopard không hoạt động bình thường và cần được tân trang lại đáng kể cũng như thay thế nhiều bộ phận. Một số nước sẵn lòng chia tay với số ít xe tăng mà họ đang sở hữu. Dù Ukraine kêu gọi viện trợ hàng trăm chiếc Leopard song chỉ có vài chục chiếc được chuyển giao cho Kiev.

Kho dự trữ khí tài của phương Tây cũng đã giảm đáng kể khi liên tiếp bơm vũ khí cho Ukraine. Các nước châu Âu phải vật lộn để chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất quốc phòng, để có thể cung cấp cho Kiev vũ khí “xa xỉ” công nghệ cao.

UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. (Ảnh: uasvision.com)

Ngành công nghiệp UAV nở rộ?

Cả ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Nga cũng đang phải vật lộn để sản xuất máy bay không người lái (UAV) giá rẻ. Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như quốc gia có sự phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp UAV. UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã được các bên sử dụng trong cuộc chiến Armenia - Azerbaijan năm 2020, cũng như ở Libya và Syria.

Còn trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán UAV cho Ukraine, trong khi Iran bán UAV cho Nga. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đang "chào hàng" sản phẩm của họ như những lựa chọn thay thế, giá rẻ so với nhà sản xuất phương Tây.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đàm phán để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Việc Ankara cung cấp vũ khí cho Kiev, trong khi tiếp tục đàm phán thỏa thuận vũ khí với Moskva, cho thấy bản chất phức tạp của ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.

Xung đột Ukraine tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí đối với địa chính trị, cũng như vai trò của vũ khí tự sản xuất giá rẻ. Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Ukraine hay Nga, song nhà sản xuất UAV dân sự lớn nhất của nước này - DJI, là một trong những nhà cung cấp UAV quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc.

Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra đối với các nhà xuất khẩu và bên nhập khẩu vũ khí. Nhiều nhà sản xuất vũ khí cũng phải đối mặt với nguy cơ sản phẩm xuất khẩu của họ một ngày nào đó sẽ được sử dụng để chống lại chính họ. Nhiều vũ khí của Mỹ cung cấp cho Afghanistan và Iraq đã rơi vào tay của Taliban cũng như tổ chức khủng bố IS. Sau đó số vũ khí này được sử dụng để chống lại quân đội Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà xuất khẩu vũ khí cũng sẽ phải chịu trách nhiệm một phần về cách người nhận sử dụng sản phẩm của họ. Trong những năm gần đây, Mỹ đã bị chỉ trích vì xuất khẩu vũ khí sang Ả Rập Xê-út, quốc gia bị lên án vì can dự vào xung đột ở Yemen. 

Có những cáo buộc về việc vũ khí của phương Tây viện trợ cho Ukraine bị tuồn ra khỏi nước này, được đưa ra chào bán trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, Kiev nhiều lần lên tiếng bác cáo buộc này.

Kông Anh

Tin mới