Ngay trong phiên giao dịch sáng thứ hai đầu tuần 5/8 (tức tối 5/8 giờ Việt Nam), hầu hết các chỉ số chính của Phố Wall đều giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sau những báo cáo kinh tế yếu kém vừa được công bố cuối tuần trước.
Mối lo ngại này không chỉ ở Mỹ mà bắt đầu lan ra toàn cầu khi hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán từ châu Á đến châu Âu đều có phiên giảm điểm kỷ lục và lãi suất trái phiếu giảm. Các nhà đầu tư tài chính đều muốn bảo vệ tài sản của họ và đặc cược vào hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần.
Theo Reuters, ngay trong phiên sáng 5/8, đợt bán tháo đầu tiên diễn ra với nhóm cổ phiếu được gọi là "Magnificent Seven" của 7 “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla. Hoạt động này đã khiến thị trường mất đi ít nhất 1.000 tỷ USD vốn hóa.
Cổ phiếu của Apple mở phiên giao dịch giảm 4,6% sau khi Berkshire Hathaway quyết định giảm một nửa cổ phần của mình tại nhà sản xuất iPhone. Điều này cho thấy tỷ phú Warren Buffett đang ngày càng cảnh giác về nền kinh tế Mỹ nói chung hoặc định giá thị trường chứng khoán đã tăng quá cao.
Các mã cổ phiếu khác như Nvidia giảm 5,6% sau khi có báo cáo về sự chậm trễ trong việc ra mắt chip trí tuệ nhân tạo sắp tới do lỗi thiết kế. Microsoft và Alphabet giảm khoảng 3% mỗi loại.
Chỉ số Dow Jones cũng giảm 860,39 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, tương đương 2,18%, xuống 38.870,14. Chỉ số S&P 500 mất 133,97 điểm, tương đương 2,51%, xuống 5.212,59 và Nasdaq Composite mất 520,61 điểm, tương ứng 3,10%, xuống 16.255,55.
Các chuyên gia đánh giá, báo cáo về thị trường việc làm ảm đạm và hoạt động sản xuất suy giảm tại Mỹ, cùng với dự báo kinh doanh không mấy lạc quan từ các công ty công nghệ lớn đã thúc đẩy Nasdaq 100 và Nasdaq Composite giảm mạnh vào cuối tuần trước.
Theo Công cụ FedWatch của CME, hiện các sàn giao dịch thấy có 88% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn 50 điểm cơ bản vào tháng 9, so với xác suất 11% vào tuần trước.
Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research dự đoán: "Tôi không nghĩ Fed sẽ giảm 50 điểm cơ bản vì điều đó cho thấy Fed đã sai, suy thoái kinh tế đang cận kề và điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng cho các nhà đầu tư hơn là xoa dịu tâm lý".
Trước đó Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đã hạ thấp nỗi lo về suy thoái nhưng cho biết các quan chức Fed cần phải nhận thức được những thay đổi trong môi trường để tránh áp dụng lãi suất quá hạn chế.
Trong một ngày giao dịch đầy biến động, chỉ số VIX - "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall - đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cú sụt giảm do COVID-19 trong năm 2020, phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh, chỉ số VIX đã vượt ngưỡng 60 điểm. Con số này đánh dấu một sự tăng trưởng chóng mặt so với mức 23 điểm vào thứ Sáu tuần trước và 17 điểm cách đây một tuần.
Theo dữ liệu từ FactSet, đây là mức cao nhất của VIX kể từ tháng 3/2020, thời điểm Fed phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng đó, VIX đã từng chạm mốc 85.47 điểm.
Chỉ số VIX, được tính toán dựa trên giá thị trường cho các quyền chọn trên S&P 500, được thiết kế để đo lường biến động dự kiến của thị trường trong 30 ngày tới. Nó thường được coi là "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, phản ánh mức độ lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng ngắn hạn của thị trường.