Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lắp tên lửa vào xe tăng thời Liên Xô - Ý tưởng táo bạo nhưng thất bại

(VTC News) -

Chiếc xe tăng T-55 lướt nhanh trên mặt đất với hai luồng lửa phụt về phía sau, đây thực sự là một ý tưởng hết sức táo bạo nhưng đã không thành công.

Liên Xô từng có ý tưởng lắp tên lửa cho những chiếc xe tăng của mình, cho phép những phương tiện nặng nề này vượt qua địa hình khó khăn một cách dễ dàng. Các động cơ tên lửa tạo ra một năng lượng rất lớn để có thể đưa một chiếc xe tăng nặng 40 tấn bay qua bùn. Chắc chắn rằng đây là một ý tưởng táo bạo, nhưng hệ thống này rất nguy hiểm và có thể quá đắt để vận hành.

Đoạn video được chia sẻ trên trang web Reddit cho thấy ba phương tiện khác nhau đã được điều chỉnh để có thể sử dụng động cơ tên lửa. Hình ảnh đầu tiên là tên lửa được nạp vào phía sau của một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-55. 

Đoạn video thử nghiệm động cơ tên lửa với T-55.

T-55 là xe tăng chủ lực của Liên Xô trong những năm 1950. Chiếc T-55 trong video phun ra những luồng lửa khổng lồ từ hai bên sườn, khi chiếc xe tăng nặng 40 tấn này lao trên một địa hình rộng.

Phương tiện thứ hai, có lẽ là một xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đã được sửa đổi. Thiết kế của xe đã được thay đổi, khu vực phía sau xe thường chở khoảng một tiểu đội bộ binh nhưng nó đã được thay thế bằng hai động cơ phản lực. 

Phương tiện thứ ba là sự kết hợp thân xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 với hai động cơ lấy từ máy bay phản lực chở khách thương mại Yak-40.

Xe tăng T-55 của Liên Xô.

Tại sao một chiếc xe tăng phải dùng đến động cơ tên lửa? Xe tăng được sử dụng để vượt các địa hình, chở theo binh lính và tấn công các vị trí của địch. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời gian trong năm, mặt đất cứng bình thường có thể biến thành vũng lầy, đặc biệt là vào mùa mưa, nó sẽ khiến cho các phương tiện chiến đấu khó di chuyển. 

Xe tăng khắc phục trở ngại này bằng cách sử dụng bánh xích thay cho bánh xe, làm giảm áp lực đè lên mặt đất. Tuy nhiên, bùn thực sự có thể khiến xe tăng gặp khó khăn và làm sa lầy các cuộc tấn công, như những chiếc xe tăng Đức xâm lược Liên Xô trong Thế chiến 2.

BMP-1 được sửa đổi với hai động cơ tên lửa phía sau.

Tên lửa có thể tạo lực đẩy lớn cho xe tăng, cho phép chúng vượt qua địa hình xấu nhất. Nó tương tự như khái niệm Máy bay phản lực hỗ trợ cất cánh (JATO), sử dụng tên lửa để nhanh chóng tăng tốc độ cất cánh hoặc giúp máy bay dừng lại nhanh chóng. 

Tuy nhiên, động cơ tên lửa sẽ gây ra nguy hiểm đối với kíp lái xe tăng, đặc biệt là trong chiến đấu. Một phát bắn của kẻ thù có thể xuyên qua lớp vỏ của tên lửa và kích hoạt tất cả chúng cùng một lúc. 

Ngoài ra, chiếc xe tăng T-55 tham gia thử nghiệm dường như không thể điều chỉnh tốc độ hoặc đánh lái - kíp lái xe phải đưa xe tăng xuống một cánh đồng trống và kích hoạt tên lửa. Ở địa hình toàn đá hoặc cây lớn, sử dụng tên lửa quá nguy hiểm, xe tăng cũng không thể vượt qua các vùng có nước.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 với hai động cơ phản lực Yak-40.

Một vấn đề khác có thể xảy ra với xe tăng chạy bằng tên lửa là chi phí. Hồng quân duy trì một kho vũ khí gồm hàng chục nghìn xe tăng và việc trang bị động cơ tên lửa cho chúng sẽ rất tốn kém. Động cơ tên lửa cũng chỉ hữu ích trong các cuộc tấn công, chúng không có lợi ích khi xe tăng bị chôn xuống làm hỏa điểm và chờ đợi một cuộc tấn công của kẻ thù.

Xe thứ hai và thứ ba trong video đã thử nghiệm động cơ tua-bin như một phương tiện đẩy, trên lý thuyết rằng xe tăng chạy bằng tua-bin có thể tăng tốc nhanh hơn xe tăng trang bị động cơ diesel. 

Xe tăng T-80.

Điều này đã được chứng thực bởi xe tăng M1 Abrams của Mỹ, chiếc xe tăng hiện đại đầu tiên sử dụng động cơ tua-bin. Tuy nhiên, xe tăng sử dụng động cơ tua-bin T-80 của Liên Xô gặp vấn đề về độ tin cậy và Nga ngày nay vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì chúng hoạt động.

Lê Hưng (Nguồn: Popular Mechanics)

Tin mới