Vừa thất nghiệp, vừa phải trả nợ, anh Nooruddin - 32 tuổi, sống tại Herat, Afghanistan - đành bán một quả thận để có tiền nuôi con.
“Tôi phải làm vậy vì lợi ích của các con. Tôi không có bất kỳ lựa chọn nào khác" - anh là một trong số rất nhiều người Afghanistan phải đổi chính nội tạng của mình lấy tiền để lo cho gia đình.
“Giờ tôi hối hận lắm. Tôi không làm việc được nữa và cũng không thể nhấc bất kỳ vật nặng nào”.
Làng Shenshayba Bazaar ở Afghanistan nổi tiếng với cái tên "làng một thận". (Ảnh: AP)
Kể từ khi lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan, nền kinh tế của đất nước này đã bị tàn phá nặng nề. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, hơn 24 triệu người Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ đói nghèo - tăng hơn 30% so với năm 2021. Trong khi đó, 500.000 người chật vật vì mất việc làm.
Rơi vào đường cùng, nhiều người phải bán thận để mua thức ăn và trả nợ - nếu không làm vậy, họ sẽ phải bán con.
Đó cũng là quyết định của cô Aziza, 20 tuổi, sống tại Shenshayba Bazaar. Mỗi ngày, chồng của Aziza chỉ kiếm được nhiều nhất 1,5 USD nhờ bán hàng ngoài chợ - số tiền quá ít ỏi đối với một gia đình có ba con.
"Tôi có thể làm gì với số tiền đó? Các con tôi phải lang thang trên phố để ăn xin. Nếu không bán thận, tôi sẽ buộc phải bán đứa con gái một tuổi của mình”, cô Aziza chia sẻ.
Rơi vào đường cùng, nhiều người Afghanistan phải bán thận để mua thức ăn và trả nợ. (Ảnh: AP)
Làng bán thận
Shenshayba Bazaar - nằm ở ngoại ô Herat, Afghanistan - nổi tiếng với cái tên "làng một thận". Biệt danh này bắt nguồn từ việc hàng chục dân làng tại đây bán thận vì hoàn cảnh nghèo khó.
Thậm chí, có trường hợp 5 anh em trong một gia đình lần lượt bán thận trong 4 năm. Nhưng khoản tiền đó cũng không thể giúp họ thực hiện nguyện vọng thoát nghèo.
“Chúng tôi vẫn nợ nần và nghèo như trước đây”, ông Ghulam Nebi, một trong 5 người anh em, nói.
Cô Shakila, một bà mẹ hai con 19 tuổi, cũng ôm hy vọng tương tự khi tìm bệnh nhân cần thay thận tại bệnh viện Herat.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác vì đói", cô đã bán quả thận của mình với giá 1.500 USD - phần lớn số tiền được dùng để trả nợ.
Ở các quốc gia phát triển, người hiến tạng luôn được đãi ngộ đặc biệt. Họ được chăm sóc y tế, theo dõi sức khỏe sau phẫu thuật và ăn uống, sinh hoạt theo chế độ lành mạnh. Nhưng những điều đó là quá xa xỉ đối với những người Afghanistan nghèo. Theo giáo sư Mohammad Wakil Matin, chỉ một số ít người bán thận được chăm sóc đầy đủ.
“Không có cơ sở y tế công nào đăng ký cho người hiến thận đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe”, ông Matin cho biết.
Nghiêm trọng không kém vấn đề buôn bán thận, nhiều báo cáo ở Afghanistan đã ghi nhận tình trạng cha mẹ gả con gái hoặc bán con lấy tiền vì quá nghèo khó.
Ở Afghanistan, hoạt động mua bán nội tạng không được kiểm soát. (Ảnh: Reuters)
Một quả thận giá 1.500 USD
Hầu hết các nước phát triển đều cấm mua bán nội tạng. Tuy nhiên, ở Afghanistan, hoạt động này lại không được kiểm soát.
Thông thường, một quả thận ở Afghanistan có thể bán được giá 4.000 USD. Tuy nhiên, kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước, mức giá đã giảm xuống còn dưới 1.500 USD.
Ông Mohamad Bassir Osmani, bác sĩ tại một trong hai bệnh viện hàng đầu Herat, xác nhận rằng thủ tục làm phẫu thuật lấy thận chỉ cần sự đồng thuận từ bên mua và bên bán.
"Chúng tôi chưa bao giờ điều tra về bệnh nhân hoặc người hiến tặng. Đó không phải là công việc của chúng tôi", ông Osmani nói.
Đến nay, chính quyền Taliban tại Afghanistan vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận chính thức. Nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo nghiêm trọng.
Vào ngày 17/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu về việc thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan do lực lượng Taliban điều hành. Nghị quyết xác định một số lĩnh vực hợp tác về nhân đạo, chính trị và nhân quyền, trong đó có quyền cho phụ nữ, trẻ em và nhà báo ở Afghanistan.