Chồng của Aziz Gul tự ý bán con gái 10 tuổi cho nhà người ta mà không nói với vợ. Ông bố đã nhận của hồi môn để có tiền nuôi sống 5 đứa con còn lại. Không có số tiền đó, anh ta nói rằng họ đều sẽ chết đói. Anh ta phải hy sinh một đứa để cứu cả nhà.
Ngày càng nhiều người Afghanistan tuyệt vọng đang phải đưa ra những quyết định đau đớn như vậy khi đất nước này rơi vào vòng xoáy nghèo đói.
Qandi Gul bế em bên ngoài túp lều của gia đình em ở Herat. (Ảnh: AP)
Nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ của Afghanistan lao dốc từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước từ giữa tháng 8, giữa một chiến dịch sơ tán hỗn loạn của binh lính Mỹ và NATO. Tài sản của Afghanistan ở nước ngoài bị đóng băng, các khoản viện trợ bị cắt, trong khi cộng đồng quốc tế không muốn hợp tác với chính phủ Taliban vì quá khứ lãnh đạo khắc nghiệt của lực lượng này cách đây 20 năm.
Tình trạng đó càng gây thêm khó khăn cho đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 4 thập kỷ, hạn hán kinh hoàng và đại dịch COVID-19. Các nhân viên nhà nước, kể cả bác sĩ, không được trả lương trong nhiều tháng. Tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói tấn công những nhóm dễ tổn thương nhất. Các tổ chức nhân đạo cho biết hơn một nửa dân số Afghanistan đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
“Ngày qua ngày, tình hình ở quốc gia này ngày càng xấu hơn, trẻ em chịu khổ hơn cả”, Asuntha Charles, giám đốc quốc gia của tổ chức World Vision ở Afghanistan, nói. Tổ chức này có một phòng khám dành cho những người tha hương ở ngoại ô TP Herat.
“Hôm nay tôi rất đau lòng khi thấy một gia đình sẵn sàng bán con để nuôi những người còn lại trong nhà. Vì thế, đây là lúc chúng ta phải hỗ trợ người dân Afghanistan”, Charles nói.
Cho con gái lấy chồng từ tuổi còn nhỏ là việc diễn ra thường xuyên ở Afghanistan. Gia đình chú rể, thường là họ hàng xa, trả tiền cho gia đình vợ, và bé gái vẫn ở với bố mẹ mình cho đến năm 15-16 tuổi. Nhưng với một số gia đình không mua nổi đồ ăn cơ bản, họ nói rằng họ sẽ cho con gái sang nhà chồng sớm và thậm chí tìm cách bán cả con trai.
Nhưng chị Gul, người đã phải lấy chồng từ năm 15 tuổi, nói rằng chị sẽ tự tử nếu con gái Qandi Gul của chị bị đưa đi.
Trước khi chồng chị bán con gái, gia đình chị chật vật với miếng ăn trong khoảng 2 tháng. Sau đó tự nhiên anh chồng mang tiền về. Chị đã truy vấn chồng chị số tiền đó ở đâu ra.
“Tôi tưởng tim mình đã ngừng đập. Tôi ước tôi có thể chết luôn lúc đó, nhưng có thể Chúa không muốn tôi chết”, Gul nói.
Chị kể rằng chị đã mời cả làng đến để nói chuyện chồng chị đã lén bán con. Họ ủng hộ chị và khẳng định sẽ giúp con gái chị “ly hôn”, nhưng chị phải trả lại số tiền 100.000 afghanis (khoảng 1.000USD) đã nhận từ nhà trai.
Chị không có số tiền đó. Chồng chị đã bỏ trốn vì sợ vợ báo lên chính quyền. Chính phủ Taliban gần đây cấm việc ép buộc phụ nữ kết hôn hoặc dùng phụ nữ và các bé gái để trao đổi nhằm giải quyết tranh chấp.
Gia đình nhà trai đã nhiều lần cố đòi đưa con gái chị về. Gul nói rằng chị không biết có thể chống đỡ bao lâu.
“Tôi tuyệt vọng lắm. Nếu không trả được tiền và không thể giữ con gái bên mình, tôi đã nói sẽ tự kết liễu. Nhưng sau tôi nghĩ đến những đứa con còn lại của mình. Điều gì sẽ xảy ra với chúng? Ai sẽ cho chúng ăn?” Gul nói. Đứa con thứ 6 của chị mới được 2 tháng tuổi.
Giờ đây Gul đang phải để lũ trẻ ở nhà với mẹ già để đi làm thuê. Cậu con trai 12 tuổi của chị cũng đang đi hái saffron thuê sau giờ đi học. Họ kiếm được chút tiền đủ để trang trải chi phí cơ bản. Nhưng mùa saffron chỉ kéo dài vài tuần.
“Chúng tôi không có gì cả”, Gul nói.
Ở một túp lều khác, Hamid Abdullah cũng sẽ bán con gái để làm vợ người ta, vì anh đang cần tiền cho vợ chữa bệnh mạn tính, trong khi vợ anh đang mang thai đứa con thứ 5.
Abdullah vay tiền cho vợ chữa bệnh nhưng không trả được. Cách đây 3 năm, anh nhận tiền hồi môn để bán con gái lớn, năm nay mới 7 tuổi, cho một thanh niên 18 tuổi ở tỉnh Gadghis. Giờ anh đang tìm người mua con gái 6 tuổi.
Ở tỉnh Badghis gần đó, một gia đình ly hương cũng đang tìm cách bán cậu con trai 8 tuổi. Guldasta nói rằng sau nhiều ngày không có gì ăn, chị đã bảo chồng đưa con trai ra chợ để bán lấy tiền mua đồ ăn cho những đứa còn lại.
“Tôi không muốn bán con trai, nhưng bắt buộc. Không bà mẹ nào có thể làm thế với con mình, nhưng khi không có lựa chọn, tôi phải làm việc trái với ý muốn”, bà mẹ 35 tuổi cho biết.
Bán con trai không phổ biến như bán con gái, nhưng vẫn diễn ra vì một số gia đình không có con trai muốn mua những bé trai từ tuổi sơ sinh.
Sự tuyệt vọng của hàng triệu người Afghanistan là điều rõ ràng và ngày càng có thêm người bị đói. Tính đến cuối năm nay, khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng trầm trọng, theo số liệu của Liên hợp quốc.