Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ sinh Afghanistan: ‘Tại sao chúng em không thể đi học?’

(VTC News) -

Những bé gái Afghanistan không hiểu nổi tại sao mình lại bị tước đi quyền lợi chính đáng là được đi học, các em tự hỏi: “Tại sao chỉ có con trai mới có tương lai?"

Cô bé Amena 16 tuổi, sống tại thủ đô Kabul của Afghanistan, chính mắt chứng kiến ​​85 người bạn học thiệt mạng khi ngôi trường nữ sinh em theo học trở thành mục tiêu của một vụ đánh bom khủng bố hồi tháng 5, nhưng em vẫn quyết tâm tiếp tục theo đuổi giáo dục.

Nhưng sau khi Taliban giành kiểm soát đất nước, Amena cùng tất cả nữ sinh trung học Afghanistan đều bị cấm đến trường hoàn toàn.

"Em muốn được học tập, gặp gỡ bạn bè và hướng đến một tương lai tốt đẹp, nhưng giờ em không còn được phép làm những điều đó", Amena nói.

"Em cảm thấy rất kinh khủng. Kể từ khi Taliban đến, em đã rất buồn và giận giữ".

Phần lớn trẻ em gái Afghanistan vẫn bị cấm tham gia các lớp học trên toàn quốc, bao gồm cả thủ đô Kabul. (Ảnh: Getty Images)

Vào ngày 18/9, Taliban cho phép các giáo viên nam và nam sinh từ 13 tuổi trở lại trường học. Tuy nhiên, họ không hề nhắc tới giáo viên nữ hay nữ sinh. Họ nói rằng các cô bé sẽ được đi học lại, nhưng chỉ sau khi có quy định chặt chẽ về việc phân biệt giới tính theo quan niệm của họ về luật Hồi giáo.

Bộ trưởng Giáo dục do Taliban bổ nhiệm đã hứa hẹn với Liên hợp quốc rằng sẽ sớm công bố một bộ quy định cho phép tất cả trẻ em gái được học trung học cơ sở. Nhưng hiện tại, phần lớn trẻ em gái Afghanistan vẫn bị cấm tham gia các lớp học trên toàn quốc, bao gồm cả thủ đô Kabul.

“Không còn hi vọng ở Afghanistan”

Năm nay, Amena đáng lẽ sẽ được học chương trình lớp 10, em rất mong được biết thêm về môn học yêu thích của mình – môn Sinh học. Em còn muốn học thêm nhiều điều để thực hiện ước mơ trở thành một nhà báo. Trong thời gian không thể đến trường, em cố gắng tự học ở nhà bằng những cuốn sách anh trai mang về, nhưng hiệu quả rất hạn chế.

"Họ bảo em rằng 'hãy tự học nếu cháu không thể đến trường’ ", Amena chia sẻ.

Nhưng dù có cố gắng tiếp thu kiến thức nhiều thế nào, em vẫn không hiểu tại sao con trai được đi học còn con gái thì không: "Một nửa xã hội được tạo thành từ các bé gái và nửa còn lại là các bé trai. Chẳng có sự khác biệt nào giữa hai giới tính".

"Tại sao chúng em không thể đi học ? Chúng em không phải là một phần của xã hội hay sao? Tại sao chỉ có con trai mới có tương lai?"

Ôm lấy những câu hỏi không được hồi đáp, cô bé Amena buồn bã nói rằng: "Không còn hy vọng nào ở Afghanistan".

Nữ sinh trung học Afghanistan vẫn bị cấm đến trường. (Ảnh: Reuters)

Những tiến bộ đang bị đẩy lùi

Sau khi các lực lượng do Mỹ đứng đầu lật đổ Taliban vào năm 2001, việc giáo dục trẻ em gái đã đạt được nhiều tiến bộ.

Số trường học ở Afghanistan tăng gấp ba lần và tỷ lệ phụ nữ biết chữ tăng gần gấp đôi, lên 30%. Tuy nhiên, thành tựu đó đang có nguy cơ bị đẩy lùi.

Phụ nữ Afghanistan đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 20 năm qua. Nhưng tình hình hiện tại đã hạ thấp tinh thần của cả chúng tôi và học sinh", cô Nasrin Hasani, một nữ giáo viên 21 tuổi tại Kabul, cho biết.

"Theo như tất cả chúng ta đều biết, tôn giáo của đạo Hồi chưa bao giờ ngăn cản phụ nữ học hành và làm việc", trong hoàn cảnh hiện tại, Hasani chỉ còn biết bám víu lấy hy vọng rằng Taliban sẽ "khác một chút" so với chế độ cai trị tàn bạo của họ những năm 1996-2001, khi phụ nữ thậm chí còn không được phép ra khỏi nhà mà không có đàn ông đi cùng.

Những giấc mơ bị chôn vùi

Zainab sinh ra nhiều năm sau năm 2001, cô bé 12 tuổi không hề có ký ức về thời cai trị trước của Taliban. Em không hiểu vì sao mình lại mắc kẹt ở nhà trong khi chứng kiến các nam sinh đi học trở lại. Cô bé nói rằng mình "cảm thấy thật khủng khiếp".

"Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày", Zainab nói.

Cô bé Malalay, 16 tuổi, cũng có cảm giác tương tự. Em đã khóc trong khi chia sẻ rằng mình cảm thấy “tuyệt vọng và sợ hãi". Em nói rằng mình phải cố gắng không khóc trước mặt mẹ bởi em hiểu rằng bà cũng mang trên vai rất nhiều áp lực.

Hàng ngày, Malalay chỉ có thể nỗ lực giúp đỡ cha mẹ bằng cách làm việc nhà như dọn dẹp, rửa bát và giặt giũ. Dù vậy, em vẫn âm thầm nuôi ước mơ thúc đẩy quyền của phụ nữ và lên tiếng phản đối việc đàn ông tước đoạt quyền của mình.

"Đáng lẽ quyền lợi của em là được đến trường và học lên đại học", Malalay nói.

"Mọi ước mơ và dự định của em giờ đã bị chôn vùi".

*Tên thật của các nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.

Trần Trang

Tin mới