Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không thể đưa số ca nhiễm về 0, các nước học cách sống chung COVID-19 thế nào?

(VTC News) -

Khi các biến thể COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, các nước đang bắt đầu từ bỏ chiến lược "Không COVID-19" và tiến tới việc sống chung với dịch bệnh.

Anh đã loại bỏ gần như tất cả các hạn chế chống dịch. Đức cho phép những người được tiêm chủng đi du lịch mà không cần cách ly. 

Nhiều người Italia đang ra đường mà không còn bị bó buộc bởi quy định đeo khẩu trang. 

Các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại ở Singapore. 

19 tháng sau khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, chính phủ các nước khuyến khích người dân trở lại nhịp sống bình thường mới. 

Câu "thần chú" ở các nước đang ngày càng giống nhau: Chúng ta phải học cách sống chung với COVID-19.

Australia tuyên bố sẽ áp dụng lệnh phong tỏa tại các bang và vùng lãnh thổ để khống chế dịch bệnh lây lan cho đến khi có ít nhất 70% người từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Theo kế hoạch này, Australia sẽ dần mở cửa biên giới quốc tế, vốn đóng từ tháng 3/2020, khi tỷ lệ người tiêm chủng đạt trên 80%.

Australia đang tính tới việc chấm dứt chiến lược "không COVID-19". (Ảnh: Getty Images)

"Mọi người muốn ở lại trong hang. Nhưng chúng ta không thể làm vậy mãi trong khi có thể thoát khỏi hang một cách an toàn”, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói. Ông Morrison hôm 22/8 tuyên bố bắt đầu chấm dứt chính sách ''Không COVID-19'' của Australia. 

Với tỷ lệ chích đủ vaccine cho khoảng 80% dân số, Singapore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên quyết định sống chung với COVID-19. 

Trong thông báo cập nhật về tình hình COVID-19 hôm 3/9, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết sẽ không có kế hoạch nới lỏng hay thắt chặt các biện pháp hạn chế trong giai đoạn này khi Singapore dịch chuyển sang sống chung với dịch bệnh.

"Hiện không thể đưa số ca mắc về con số 0, thậm chí cả khi chúng ta phong tỏa trong thời gian dài. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho COVID-19 trở thành một bệnh đặc hữu, giống như cúm hoặc thủy đậu", Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định.

Singapore đang ở giai đoạn đầu trong kế hoạch 4 bước tiến tới bình thường mới. Dù tuyên bố không còn theo đuổi chính sách "Không COVID-19", đảo quốc sư tử vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài và số người được phép tụ tập vẫn bị giới hạn.

Singapore cũng giới hạn số người được phép vào các điểm du lịch, trung tâm thương mại, phòng tập thể dục, dự đám cưới, đám tang và các sự kiện. 

Hàng xóm của Singapore, Malaysia cũng đang hướng tới sống chung với COVID-19 dù ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19/ngày. 

"Chúng ta cần phải chấp nhận một thực tế rằng mặc dù chúng ta đã kiểm soát được đại dịch này, nhưng sẽ có lúc COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu và như vậy, chúng ta phải thực hiện các bước để sống chung với virus", Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho hay.

Malaysia chuẩn bị mở cửa du lịch theo mô hình "hộp cát" của Phuket. (Ảnh: Straits Times)

Từ 16/9, hòn đảo Langkawi ở bang Kedah, vốn được biết đến như “hòn ngọc” du lịch của Malaysia sẽ mở cửa cho người dân địa phương đã được tiêm phòng đầy đủ theo kế hoạch “bong bóng du lịch”.

Malaysia nằm trong nhóm những nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Nước này hiện đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho hơn 84% người trưởng thành và tiêm 2 mũi cho 64% dân số. 

Israel cho phép học sinh đi học trở lại từ 1/9 dù đang đang ghi nhận hơn 10.000 ca COVID-19/ngày. 

Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người từ 12 tuổi trở lên.

“Đây là nền tảng cho cuộc sống trở lại gần như bình thường”, Giáo sư Eyal Leshem tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel cho hay, đồng thời đề xuất kịch bản tiêm mũi vaccine thứ 4. 

Sau khi COVID-19 xuyên thủng hàng phòng thủ kiên cố bậc nhất thế giới, giới chức New Zealand đang bắt đầu thảo luận về việc học cách sống chung với COVID-19. 

Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 Chris Hipkins của New Zealand thừa nhận sự lây lan mạnh của biến thể Delta khiến đợt dịch hiện tại khó kiểm soát hơn. Ông cũng tỏ ra hoài nghi về chiến dịch "Không COVID-19" mà nước này đang áp dụng. 

“Delta không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng ứng phó trước đây trong đại dịch. Nó làm thay đổi tất cả, đồng nghĩa rằng mọi sự chuẩn bị của chúng ta hiện nay bắt đầu có vẻ không đầy đủ và đặt ra những câu hỏi thực sự lớn về tương lai của những kế hoạch dài hạn”, ông này cho hay. 

Ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao ở châu Âu, họ đặt cược vào chương trình tiêm chủng và coi đây là chiếc vé thoát khỏi đại dịch.

Một trận đấu ở sân vận động Emirates, Anh hồi tháng 8 thu hút tới 60.000 cổ động viên trong bối cảnh Anh ghi nhận hơn 30.000 ca COVID-19 trên ngày. 

"Mọi người có vẻ không quan tâm đến tỷ lệ lây nhiễm thực sự cao hiện nay. Dường như công chúng đang chấp nhận rằng đây là cái giá của tự do", Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại King's College London cho hay. 

Các vở kịch và lễ hội âm nhạc ở Anh cũng trở lại sau một thời gian dài vắng bóng. Nhờ tỷ lệ 80% dân số trưởng thành đã được chích ngừa đầy đủ giúp tỷ lệ nhập viện thấp hơn, người Anh giờ không còn quá nhiều tới số ca nhiễm mới thống kê mỗi ngày. 

Khán giả tới xem một trận bóng ở Anh. (Ảnh: AP)

Một số người dân nói họ không đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông nhưng cũng chẳng bị ai nhắc nhở. Một số thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Borris Johnson cũng bỏ khẩu trang khi đang thảo luận về vấn đề Afghanistan trong phòng họp đông người hồi tháng 8. 

Tại Berlin, Đức, năm học mới bắt đầu vào tháng 8. Trẻ em đeo khẩu trang trở lại khuôn viên trường học và được xét nghiệm một lần/tuần. 

Chính phủ trước đó viết thư cho các gia đình có trẻ em đủ điều kiện tiêm vaccine để khuyến khích phụ huynh cho con cái đi tiêm.

Hiện tại, người dân Đức đã tiêm đủ 2 liều vaccine có thể dùng bữa tại nhà hàng mà không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính.

Họ cũng được phép gặp gỡ không hạn chế và đi lại miễn cách ly 14 ngày.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới