Thông báo của Quảng Châu được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc lên tiếng về các cuộc điều tra và kỷ luật nghiêm đối với các quan chức làm việc không hiệu quả trong việc đối phó với các đợt bùng phát COVID-19 mới ở nước này.
Nhân viên y tế xét nghiệm tại nhà máy Foxconn, Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)
Trong số 20 quan chức bị trừng phạt, 11 người đã bị cách chức hoặc giáng chức. Trước Quảng Châu, hơn 40 quan chức ở các tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Nam..., cũng bị kỷ luật vì phản ứng chậm chạp và quản lý kém hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Cơ quan giám sát quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp trên cả nước xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, tỉnh Giang Tô, nơi có Nam Kinh và Dương Châu - hai thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch mới ở nước này - đã ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát đặc biệt công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Công tác kiểm tra chủ yếu tập trung vào các nội dung, như làm việc kém hiệu quả khiến dịch bệnh lây lan, không thực hiện và phục tùng các biện pháp cách ly tại các khu vực trọng điểm, sơ xuất nghiêm trọng hoặc không báo cáo trung thực kết quả xét nghiệm, không thực hiện việc bảo vệ các nhóm đối tượng nguy cơ cao gây hậu quả nghiêm trọng, cán bộ đảng viên không gách vác công việc, đùn đẩy trách nhiệm...
Trong khi đó, một giáo viên họ Trương ở tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam Trung Quốc hôm 11/8 đã bị tạm giam 15 ngày khi đăng bình luận trên mạng xã hội, kiến nghị thành phố Dương Châu thí điểm “sống chung với virus”, trong khi Dương Châu hiện đang là điểm nóng dịch bệnh ở Trung Quốc với 485 ca bệnh, trong đó có tới 14 ca nguy kịch tính đến ngày 11/8.
Thông báo của công an địa phương cho biết, giáo viên này bị bắt vì “đưa ra những nhận xét không phù hợp liên quan đến dịch bệnh, gây tác động xấu đến xã hội”. Người này sau đó đã đăng lời xin lỗi và cam kết sẽ tuân thủ pháp luật. Sự vào cuộc của công an đã gây ra một cuộc tranh cãi ở Trung Quốc.
Gần đây, ở Trung Quốc đang dấy lên cuộc tranh luận về chiến lược “không ca mắc” và việc “sống chung với COVID-19”. Trang web chính thức của Hội Kinh tế Y tế Trung Quốc ngày 5/8 đăng bài viết của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nước này Cao Cường, với tựa đề "Liệu có khả thi sống chung với virus?". Bài báo nhấn mạnh, “tuyệt đối không thể” sống chung lâu dài với COVID-19. Bài viết được coi như lập luận phản bác và phê phán quan điểm “học cách sống chung với virus” của ông Trương Văn Hồng, chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc đưa ra mới đây.