Theo Tiến sỹ Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia 22/8 đã thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước sang học cách "sống chung với COVID-19", công nhận bản chất đặc hữu của virus.
Sống chung với COVID-19
(Ảnh minh họa: Reuters)
Trọng tâm trong chiến lược tương lai của Thái Lan sẽ là ngăn chặn các ca mắc ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng, với các biện pháp quan trọng là tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và truy tìm ca bệnh nhanh hơn với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh và lây truyền.
Trong số các đề xuất sơ bộ là nới lỏng một số quy định như giới nghiêm vào tháng tới và nhân rộng dự án mở cửa trở lại du lịch vào tháng 10 dựa trên một dự án thử nghiệm ở Phuket. Các biện pháp dự kiến khác chưa được công bố.
Thái Lan đã từng được coi là một câu chuyện thành công vào thời kỳ đầu của đại dịch, với số lượng ca mắc tương đối ít trong năm 2020 mặc dù đây là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phát hiện có ca mắc COVID-19.
Sự tự tin ban đầu có thể kiểm soát được dịch là một lý do khiến chính phủ nước này chậm đảm bảo các nguồn cung vaccine và tăng cường tiêm chủng. Một loạt các vấp váp trong chương trình tiêm chủng đã dẫn đến sự chậm trễ khi biến thể Delta xuất hiện, dẫn đến sự gia tăng gần như không ngừng của các ca mắc mới kể từ tháng 4. Thái Lan hiện tại đã có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19.
Theo các quan chức y tế Thái Lan, những dữ liệu mới nhất liên quan đến số ca mắc mới, kết quả xét nghiệm, bệnh nhân đang được chăm sóc tích cực và các mô hình lây lan cho thấy đợt bùng phát hiện tại đã lên đến đỉnh điểm. Số ca mắc mới lớn nhất trong ngày được Thái Lan ghi nhận là hơn 23.100 ca. Đợt dịch thứ 3 này tại Thái Lan cũng chiếm tới 97% tổng số ca từ đầu dịch.
Tiến sĩ Opas cho rằng, việc xác định được đỉnh dịch sẽ cho phép một số hạn chế được nới lỏng. Quốc gia này hôm 23/8 ghi nhận 17.491 trường hợp mắc mới, mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 30/7, so với hơn 20.000 ca mắc hàng ngày trong tháng 8.
Hiện tại, thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận với 40% dân số, tạo ra hơn 75% GDP, đang bị hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm việc đóng cửa tất cả các doanh nghiệp "không thiết yếu", hạn chế đi lại giữa các tỉnh và giới nghiêm từ 21h đến 4h sáng. Ngoài ra, các tỉnh không nằm trong vùng dịch hoặc ít bị tác động cũng áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa dịch bệnh.
Phó giáo sư Thira Woratanarat tại Khoa Y của Đại học Chulalongkorn cho biết, số lượng ca mắc mới được báo cáo không phản ánh hoàn toàn tình hình thực tế. Việc bỏ sót các trường hợp được phát hiện do sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà và ít xét nghiệm đồng loạt được thực hiện hơn.
Rủi ro có tính toán
Hồi tháng 6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ mở cửa trở lại đất nước vào tháng 10. Việc thay đổi chiến lược phòng chống COVID-19 của Thái Lan dường như cũng phản ánh điều đó.
Theo ông Prayut Chan-o-cha, việc mở cửa là cần thiết và đó là một “rủi ro có tính toán” đồng thời yêu cầu người dân sẵn sàng sống chung với rủi ro. Tuy nhiên, để mở cửa trở lại Thái Lan cần tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số nhưng hiện tại mới 8% dân số nước này đã được tiêm hai mũi. Tỷ lệ tiêm phòng cao hơn ở các khu vực đã mở cửa trở lại theo các chương trình du lịch đặc biệt, bao gồm cả đảo Phuket, và những nơi ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, bao gồm cả Bangkok.
Tiến sĩ Opas nói rằng việc mở cửa trở lại đảo Phuket vào ngày 1/7 vừa qua cho khách du lịch được tiêm chủng đầy đủ cho thấy nếu tình hình có thể được kiểm soát, các hoạt động kinh tế có thể được đẩy mạnh và người dân có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày.
Tuần trước, chính phủ cho biết họ có kế hoạch cấp "Thai COVID Pass", một dạng giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, cho những người dân được tiêm chủng đầy đủ, cho phép họ tới một số địa điểm bao gồm cả nhà hàng.