Tuyệt đại đa số những ca bệnh đầu tiên tại đây đều đã tiêm vaccine, khiến chuyên gia nước này kêu gọi cần rút bài học từ công tác phòng chống dịch tại sân bay và tìm cách sống chung với dịch bệnh.
Người dân Nam Kinh đi xét nghiệm ngày 29/7. (Ảnh: Mạng Nhân dân)
Đợt dịch COVID-19 trong cộng đồng mới nhất ở Trung Quốc vừa được phát hiện hôm 20/7 tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh. Là sân bay lớn thứ 12 ở Trung Quốc đón gần 20 triệu lượt khách trong năm 2020, dịch tại đây đến nay đã lan ra 13 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thành Đô và Đại Liên, với gần 200 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Với 171 ca Covid-19 và 2 trường hợp không triệu chứng, Nam Kinh hiện đang phải tiến hành đợt xét nghiệm đại trà lần thứ 3.
Cách xử lý dịch của Nam Kinh được các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là “đáng thất vọng”, dựa trên các bài học đã rút ra từ các tỉnh An Huy, Quảng Đông và Vân Nam trước đó. Thành phố này bị cho là đã có những động thái muộn nhằm hạn chế đi lại và chậm công bố kết quả điều tra dịch tễ.
So với nhiều nước trên thế giới, 200 ca nhiễm là con số không đáng kể, nhưng với Trung Quốc - quốc gia đặt nhiệm vụ kiểm soát dịch lên hàng đầu và đã hoàn thành tiêm gần 1,6 tỷ liều vaccine, kết cục này bị coi là “thất thủ” và là một “thách thức nghiêm trọng” đối với hệ thống phòng chống dịch.
Đa phần các ca mắc tại đây đều liên quan đến sân bay. Điều này đã được ông Dương Đại Tỏa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Nam Kinh xác nhận: “Phát hiện qua điều tra dịch tễ học cho thấy, các ca bệnh chủ yếu tập trung ở sân bay và các khu vực xung quanh. Hơn nữa, trong các ca bệnh đã báo cáo xuất hiện nhiều cụm dịch tập trung".
Các ca bệnh đầu tiên là những nhân viên dọn vệ sinh ở sân bay, đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ở Trung Quốc. Theo truyền thông nước này, khoảng 90% nhân viên làm việc tại sân bay ở Nam Kinh, tương đương 5.036 người, đã được tiêm phòng vào tháng 5/2021.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của chính quyền địa phương ngày 28/7, 4 ca trong số các trường hợp ở Nam Kinh đã tiêm vaccine được phân loại là nghiêm trọng, điều này khiến cư dân mạng lo lắng về hiệu quả của vaccine.
Delta được xác nhận là biến thể dẫn đến sự bùng phát dịch ở Nam Kinh. Theo các nghiên cứu, những người bị nhiễm Delta có lượng virus cao hơn tới 1.260 lần so với những người bị nhiễm chủng ban đầu.
Ông Trương Văn Hồng, chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc trong bài đăng trên mạng xã hội Weibo sáng 29/7 cho rằng, vaccine có hiệu quả như thế nào, cần phải có dữ liệu phòng chống và kiểm soát trên thực tế. Thế giới như vậy và Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Theo ông, sau đợt bùng phát ở Nam Kinh, Trung Quốc sẽ học được nhiều điều hơn. Cách mà Trung Quốc lựa chọn trong tương lai chắc chắn sẽ là đảm bảo sự kết nối với thế giới, trở lại cuộc sống bình thường, đồng thời bảo vệ công dân của mình khỏi nỗi sợ hãi về virus. Ông Trương Văn Hồng nhấn mạnh , điều khó khăn nhất không phải là những gì từng vượt qua, mà “khó khăn hơn là sự khôn ngoan cần có để sống chung lâu dài với virus”.