Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược lớn nhất Vùng Tây Bắc

(VTC News) -

Sáng 20/9, Tập đoàn TH tổ chức lễ khánh thành Nhà máy chế biến nước hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, H.Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Với công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, đây là nhà máy có quy mô lớn nhất và công nghệ hiện đại nhất vùng Tây Bắc.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ được Tập đoàn TH đầu tư giai đoạn 1 trên diện tích gần 5 ha, số vốn 1.200 tỉ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP của Ý. Trong đó, chế biến áp suất cao HPP là một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc và các đại biểu tham quan dây chuyến chế biến nhãn. (Ảnh: Phan Hậu)

Bằng công nghệ này, rau quả được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của nguyên liệu tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ liên kết với nông dân, các hợp tác xã để thu mua nguyên liệu của 15.000 ha cây ăn quả. Sản phẩm chế biến là các loại nước trái cây, nước ép cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra. Đặc biệt, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước cam, nhãn dưới dạng cô đặc.

Trong giai đoạn 1, nhà máy đạt công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc và nằm trong nhóm dẫn đầu các nhà máy chế biến quả tại Việt Nam.

Nhấn nút khởi động dây chuyền chế biến tại nhà máy. (Ảnh: Phan Hậu)

Không còn lo được mùa, mất giá

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết toàn tỉnh có 72.000 ha cây ăn quả nhưng mới chỉ xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn với 161 mã số vùng trồng 4.300 ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc.

Đặc biệt, nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả vẫn còn rất lớn. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ sẽ là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa.

Dây chuyền chế biến nhãn cô đặc. (Ảnh: Phan Hậu)

Trong giai đoạn 2 của dự án, tỉnh Sơn La và Tập đoàn TH sẽ nâng quy mô lên 15 ha, vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng để giải quyết đầu ra, bao tiêu nông sản cho 35.000 ha trồng cây ăn quả. “Dự án này có sức lan toả lớn và thúc đẩy người nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp hướng đến sản xuất theo quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát chất lượng để gắn với chế biến tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản”, ông Đông nói.

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, nhấn mạnh dự án đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Thái Hương cũng đề nghị UBND tỉnh Sơn La và chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với nông dân, các hợp tác xã để sản xuất an toàn, không lạm dụng sử dụng hóa chất để có nguyên liệu đạt quy chuẩn trong nước và quốc tế khi đưa vào chế biến.

Nhà máy chế biến rau quả và dược liệu Vân Hồ được đầu tư công nghệ chế biến nước nhãn, cam cô đặc đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Phan Hậu)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, dự án này sẽ là động lực phát triển cho nông nghiệp tỉnh Sơn La, đặc biệt là giúp đỡ đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững trong mối liên kết với doanh nghiệp.

“Nhà máy sẽ giúp người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, sẽ không còn lo về tình trạng nông sản được mùa là mất giá, khi sản phẩm làm ra được đưa vào chế biến thành những sản phẩm chất lượng cao”, bà Phóng nói.

Dịp này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng cũng vận động quyên góp và trao tặng 200 xe đạp cho các cháu học sinh nghèo tại 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La để động viên con em đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên trong học tập

Quỳnh Chi

Tin mới