TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định áp dụng 10 năm nay trong chương trình hiện hành nhưng do quyền quyết định cho học sinh vượt lớp thuộc các nhà trường nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu các địa phương báo cáo.
Theo ông Tài, có thể vì đây là một trong những nội dung nhỏ của thông tư nên không phổ biến khiến phụ huynh không tiếp cận được thông tin nên không đề xuất việc học vượt lớp cho con.
Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học cho rằng, việc tiếp tục đưa nội dung học sinh tiểu học có năng lực vượt trội có thể học vượt lớp vào Điều lệ Trường tiểu học mới nhằm khẳng định cơ hội học tập đến từng cá nhân, đảm bảo không bỏ sót một đối tượng đặc biệt nào.
Học sinh tiểu học có thể vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Trên thực tế có những học sinh phát triển sớm hơn, tình huống học sinh chuyển từ nước ngoài về, học sinh có năng lực vượt trội so với độ tuổi…Tuy nhiên, để thực hiện học sinh muốn được xét vượt lớp, đầu tiên phải xuất phát từ đề xuất, nguyện vọng của gia đình, sau đó nhà trường mới thành lập hội đồng đánh giá và đi đến quyết định.
“Ở độ tuổi tiểu học, học sinh chưa tự quyết định được mà phải do gia đình đề xuất, trong khi phụ huynh có tâm lý e dè, muốn con được đảm bảo quyền lợi học tập, vui chơi với học sinh cùng lứa tuổi”, ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, trong thời gian tới, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra rất rõ các yêu cầu cần đạt với từng môn học của từng lớp, từng cấp học sẽ thực hiện quy định này dễ dàng hơn.
“Ví dụ, đối với môn Tiếng Việt, học sinh học hết lớp 1 phải đạt được yêu cầu về đọc, viết ra sao đã được quy định. Do vậy, khi có đơn đề nghị của gia đình học sinh, nhà trường sẽ dựa vào các yêu cầu cần đạt, mức độ cần đạt tương ứng với từng lớp. Nếu xét thấy học sinh đó có sự nổi trội ở lớp, so với độ tuổi đó thì hội đồng nhà trường sẽ quyết định”, ông Tài nói.
Có ý kiến cho rằng, về quy định cho học sinh vượt lớp nhưng trên thực tế học sinh khó có thể có năng lực nổi trội toàn diện, mà chỉ có thể nổi trội ở một vài lĩnh vực nào đó, do đó quy định cần rõ ràng hơn để hướng dẫn các nhà trường thực hiện xét vượt lớp cho học sinh.
Trả lời vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Gíao dục tiểu học cho rằng, đây là chủ trương mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã hướng tới, đó là việc thực hiện mô hình “lớp học linh hoạt”, học theo nhu cầu của người học. Đây là mô hình lớp học mở, dạy và học theo nhu cầu, năng lực của học sinh. Do đó, trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp.
Cách đây ít ngày, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư hướng dẫn Điều lệ trường tiểu học mới để lấy ý kiến dư luận. Trong đó, quy định học sinh có thể học vượt lớp được nhiều người quan tâm nhưng trên thực tế, quy định này đang được áp dụng 10 năm nay.