Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các trường ngoài công lập thu phí giữ chỗ của học sinh có đúng luật?

(VTC News) -

Việc các trường tư đưa ra phí giữ chỗ là không đúng, thanh tra giáo dục có thể xử lý các trường thu sai theo quy định.

Những ngày gần đây nhiều phụ huynh có con theo học trường Tiểu học Newton (Hệ thống trường Liên cấp Newton, Hà Nội) bức xúc khi phải đóng phí để có được một suất trong năm học tới, với số tiền dao động 5-8 triệu.  

Thông thường phí này thường được áp dụng với tuyển sinh đầu cấp học các lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Nhưng năm nay tất cả học sinh của trường đều phải nộp.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Công ty Luật TNHH Dragon) khẳng định khoản thu trên là sai quy định. 

Luật Giáo dục và Nghị định số 69/2008 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đều không có khoản “phí giữ chỗ”.

Thông báo thu phí giữ chỗ năm học 2020-2021 của trường Newton.

Theo luật sư, khoản phí này do mỗi trường tự đặt ra nên có mức phí khác nhau, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên dù hình thức thu thế nào thì việc thu khoản phí này của các trường tư cũng là vi phạm pháp luật.

Ông Long cho rằng bản chất số tiền mà phụ huynh phải đóng góp cho các trường ngoài công lập khi nộp hồ sơ nhập học cho con theo Bộ luật Dân sự là khoản tiền đặt cọc.

“Ví dụ mua nhà, mua xe… thì phải nộp tiền đặt cọc, còn không có quy định nào nói là “phí đặt cọc”, “phí ghi danh” hay “phí giữ chỗ”. Vì vậy đó là do các trường tự nghĩ ra, tự gọi tên khoản phí thu này. Hơn nữa nếu là quan hệ đặt cọc thì cũng không áp dụng trong giáo dục”, luật sư nói.

Về quan điểm một số trường cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc đặt ra các khoản thu dựa trên thống nhất với phụ huynh chứ không phải theo Luật Giáo dục, ông Long cho rằng đó chỉ là sự biện minh.

Giáo dục là hoạt động chuyên ngành chịu sự quản lý trực tiếp từ phòng, sở giáo dục các địa phương. Dù công ty có đăng ký thành lập tại sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố có trụ sở chính theo Luật Doanh nghiệp, công ty là chủ đầu tư, đơn vị chủ quản của trường học nhưng ngành nghề giáo dục là ngành nghề có điều kiện.

Do đó, để trường có đủ điều kiện đi vào hoạt động cần phải có giấy phép con do Sở GD&ĐT cấp. Rõ ràng, trường học hoạt động vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục, chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quan ngành giáo dục tại địa phương.

“Việc các trường cho rằng họ không ép, mà phí giữ chỗ đặt ra trên cơ sở thống nhất với phụ huynh và phụ huynh tự nguyện nộp phí là cách nói không đúng thực tế. Không ai muốn bỏ ra số tiền hàng triệu, thậm chí gần chục triệu đồng gửi kèm hồ sơ để rồi sau đó nếu không học sẽ bị mất tiền”, luật sư Nguyễn Minh Long bày tỏ.

 

Theo luật sư, cơ quan thanh tra chuyên ngành cần vào cuộc yêu cầu tất cả các trường ngoài công lập trả lại phụ huynh những loại phí biến tướng như phí ghi danh, phí giữ chỗ.

Thanh tra giáo dục hoàn toàn có thể xử lý các trường thu sai theo Điều 24 Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để chấm dứt ngay hành vi vi phạm này.

Cụ thể, điều 24 Nghị định 138/2013 về vi phạm quy định về học phí, lệ phí và các khoản thu khác:

1. Vi phạm quy định về học phí, lệ phí bị xử phạt theo quy định tại Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thu, chi tài chính theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thu các khoản trái quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; trường hợp không trả lại được thì nộp về ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

Huyền Trần

Tin mới