Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học sinh đang học vẫn phải đóng 'phí giữ chỗ' năm sau: Trường Newton nói gì?

(VTC News) -

Trường Tiểu học Newton (Hệ thống trường Liên cấp Newton, Hà Nội) yêu cầu phụ huynh tất cả các lớp phải đóng phí giữ chỗ, nếu không sẽ bổ sung học sinh khác vào.

Hiện nhiều trường ngoài công lập trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh, học phí và các khoản phí bắt buộc đóng trong năm học 2020- 2021. “Phí giữ chỗ” trở thành khoản thu “không lạ” với phụ huynh xác định cho con học tại các trường ngoài công lập. Phí này thường được áp dụng với tuyển sinh đầu cấp học các lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

Những ngày gần đây nhiều phụ huynh có con theo học trường Tiểu học Newton (Hệ thống trường Liên cấp Newton, Hà Nội) bức xúc khi phải đóng phí để có được một suất trong năm học tới.

Theo thông báo về kế hoạch giữ chỗ năm học 2020 - 2021 với học sinh các khối 1, 2, 3, 4, 5 của trường Tiểu học Newton, phụ huynh có nguyện vọng cho con tiếp tục theo học trong năm học tới sẽ phải đóng phí giữ chỗ với hệ A (hệ bán quốc tế) 5 triệu đồng/học sinh, hệ G (hệ quốc tế) 8 triệu đồng/học sinh.

Phí này sẽ được trừ vào Quỹ phát triển trường của năm học tới và sẽ không hoàn trả nếu học sinh không học. Phí giữ chỗ buộc phải đóng trước ngày 31/5/2020. Sau thời gian trên, nếu phụ huynh không đóng nhà trường sẽ tuyển bổ sung học sinh khác.

Trường Liên cấp Newton tại địa chỉ 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội). 

Theo nhiều phụ huynh, trường đây trường chỉ thu phí giữ chỗ tuyển sinh đầu cấp học vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Với thông báo trên, tất cả học sinh của trường đều phải nộp.

“Tại sao phải đặt ra khoản phí vô lý như vậy trong khi học sinh vẫn đang học ở trường? Tôi chưa thấy trường nào cho con học mà còn phải đặt cọc tiền. Trường học mà như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ”, anh P. Đ. H.  – phụ huynh học lớp 2A bức xúc.

Anh H. có hai con đang học lớp 1 và lớp 4 hệ A. Nếu năm tới cả hai trẻ tiếp tục học tại trường, gia đình sẽ phải đóng 10 triệu đồng phí giữ chỗ.

“Thời điểm dịch bệnh như hiện nay nếu nhà trường còn “đẻ” ra khoản thu mới sẽ trở thành gánh nặng với cha mẹ học sinh”, anh H. bày tỏ.

Cũng theo anh Hải, trường không tổ chức họp, thảo luận và thống nhất với phụ huynh mà đưa ra quy định này. Thay vì lấy tiền của phụ huynh ra làm sức ép để đặt cọc thì việc tạo dựng niềm tin giữa phụ huynh với nhà trường quan trọng hơn.

“Khi phụ huynh tin tưởng vào chất lượng dạy và học của trường thì sẽ tự nguyện gắn bó lâu dài, chứ không cần phải đem tiền nong ra đong đếm”, anh nói.

Chị N. H. P. có con đang học lớp 1 tại trường Tiểu học Newton Goldmark cũng than phiền về yêu cầu đóng phí giữ chỗ năm học tới, trong khi chất lượng giáo dục của trường lại chưa được chú trọng.

“Nhiều lần bài tập về nhà của con còn sai. Cô giáo dạy học sinh lớp 1 nhưng lại viết sai chính tả. Đây chỉ là những lỗi nhỏ nhặt nhưng đánh giá được phần nào chất lượng giáo dục”, phụ huynh này chia sẻ.

Chị P. cho rằng phí giữ chỗ không quan trọng bằng việc tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh tiếp tục học ở trường. Nếu nộp 8 triệu mà chất lượng dạy của nhà trường không tốt thì tôi sẵn sàng bỏ toàn bộ, bởi số tiền này không mua được 1 năm học của con khi bị thiếu hụt rất nhiều kiến thức.

Dù không thực sự ưng ý về chất lượng đào tạo nhưng chị P. vẫn lựa chọn cho con học tại đây vì gần nhà, thuận tiện cho cả công việc của bố mẹ và đến trường của con.

Nhà trường nói gì?

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Thanh Sơn – chủ tịch HĐQT hệ thống trường Liên cấp Newton cho biết, trường đã ra thông báo rõ ràng cho phụ huynh trước khi bước vào năm học mới 3 tháng. Trường tư tự chủ vấn đề tài chính nên cần thông báo sớm để phụ huynh có thời gian lựa chọn.

Khoản thu này sau đó sẽ được trừ vào quỹ xây dựng trường được niêm yết hàng năm.

“Trường thông báo tới phụ huynh đóng phí giữ chỗ để trường có căn cứ làm kế hoạch cho năm học tiếp sau. Thông thường những năm vào cuối tháng 5 là kết thúc năm học nên nhà trường có đủ thời gian làm kế hoạch năm học mới", lãnh đạo hệ thống giáo dục này giải thích. 

Ông Sơn cho hay chưa nhận được đơn của phụ huynh thắc mắc về thu phí giữ chỗ. “Chúng tôi luôn mong muốn có những thư phản ánh của phụ huynh để có cơ hội giải thích. Điều này tôi nghĩ rất cần rõ ràng ngay trước khi bước vào năm học để phụ huynh yên tâm, các con học tốt”, ông Sơn nói. 

Trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật TNHH Dragon, Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong luật không có khoản thu nào là phí giữ chỗ. Khoản này do mỗi trường tự đăng ra với mức phí khác nhau. Nhưng dù thế nào thì thu khoản này cũng là vi phạm pháp luật.

Trả lời trên VnExpress cách đây hai năm về thu phí giữ chỗ của các trường ngoài công lập, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khi đó khẳng định việc này là sai quy định.

Vị lãnh đạo này dẫn điều 14 về nguồn thu của các cơ sở thực hiện xã hội hóa (gồm cả trường ngoài công lập) trong Nghị định 69 ban hành năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Khoản 1 điều này quy định về thu phí và lệ phí.

"Truy cứu thế nào là phí và lệ phí sẽ thấy không có khoản nào nói về phí đặt chỗ và ghi danh. Như vậy, việc các trường đặt ra khoản đó là sai", vị lãnh đạo Sở nhấn mạnh và thông tin thêm Luật Giáo dục cũng chỉ nói đến học phí và lệ phí tuyển sinh chứ không hề nhắc tới các khoản đặt chỗ hay giữ chỗ.

 

Huyền Trần

Tin mới