Đây là phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đầu tiên tới khu vực này kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Các quốc gia mà phái đoàn Trung Quốc tới thăm gồm có Cộng hoà Séc, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nền tảng Trung Quốc “17+1”, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm xây dựng mối quan hệ với 17 quốc gia Trung và Đông Âu gặp trở ngại sau khi Litva trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi cơ chế này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu. (Ảnh: The Diplomat)
Justyna Szczudlik, nhà phân tích về Trung Quốc tới từ Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan cho biết chuyến công du lần này của nhóm quan chức Trung Quốc sẽ là chuyến đi "kiểm soát thiệt hại" trong bối cảnh các quốc gia Trung và Đông Âu đang hết sức thất vọng trước quan điểm của Bắc Kinh liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga.
Theo chuyên gia này, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vốn từ lâu đã quan ngại mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Moskva và Bắc Kinh nay càng trở nên hoài nghi khi Trung Quốc tránh lên án việc Nga đưa quân vào Ukraine.
Trong khi đó, Wang Yiwei - giáo sư nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận định chuyến thăm này là "kịp thời và cần thiết" khi mà Trung Quốc cần làm rõ lập trường của mình về xung đột Ukraine.
"Trước hết, Trung Quốc cần làm rõ mối quan hệ Trung-Nga chính xác là gì. Thứ hai, Trung Quốc và Nga là các quốc gia khác biệt. Thứ ba, quan điểm của Trung Quốc đối với xung đột Nga-Ukraine là như thế nào", ông Wang cho hay.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia ở Baltic và Trung Âu đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga. Một số nước như Czech, Slovakia, Slovenia, Estonia và Latvia gửi viện trợ cho Kiev.
Ba Lan, quốc gia có chung 530 km đường biên giới với Ukraine trở thành trung tâm hỗ trợ của NATO đối với Kiev.
Theo ông Wang, các nước Baltic cũng như các quốc gia Trung và Đông Âu tin rằng mối quan hệ đối tác "không giới hạn" đồng nghĩa với một liên minh giữa Nga-Trung và Bắc Kinh đang ủng hộ Moskva.
Ông Szczudlik nhận định khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, Trung Quốc dường như nhận ra rằng đánh giá của khu vực đối với họ đang xấu đi.
"Phái đoàn Trung Quốc sẽ cố gắng thuyết phục các nước Trung và Đông Âu rằng vẫn có chỗ cho sự hợp tác và diễn đàn 16 + 1 vẫn phù hợp", ông Szczudlik cho hay.
Nhưng chuyên gia này cho rằng đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với nhóm quan chức Trung Quốc bởi sự ra đi của Litva khiến cơ chế này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc.
"Sự chứng thực của Trung Quốc đối với Nga có thể khiến định dạng này rơi vào tình trạng đóng băng hoặc thậm chí đặt dấu chấm hết cho định dạng này", ông này nói thêm.