"Tôi sẽ điều quân đến các quốc gia thành viên NATO tại khu vực Đông Âu trong thời gian tới với số lượng không quá nhiều", ông Biden nói với các phóng viên trong bài phát biểu sau chuyến thăm bang Philadelphia.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đặt 8.500 binh sỹ vào trạng thái “sẵn sàng cao độ” được triển khai tới châu Âu ngay khi cần thiết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra quyết định về khả năng triển khai số binh sĩ trên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
Khi được hỏi điều gì sẽ dẫn tới việc điều động số binh sĩ này, ông Biden cho biết nó phụ thuộc vào những gì ông Putin sẽ làm hoặc không làm.
"Đó không phải là hành động khiêu khích", nhà lãnh đạo Mỹ cho hay, chỉ ra mối quan ngại của các đồng minh NATO ở Đông Âu của Mỹ về việc Nga điều động quân.
Ông cũng khẳng định Washington không có ý định triển khai quân tới Ukraine, bất chấp việc Mỹ và các nước phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công quốc gia láng giềng. "Sẽ không có bất kỳ lực lượng Mỹ nào tiến vào Ukraine", ông Biden nói với các phóng viên hôm 25/1.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng sau khi Mỹ, châu Âu bày tỏ lo ngại sâu sắc Nga điều động hàng trăm nghìn binh sỹ tới biên giới Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần phủ nhận kế hoạch động binh, khẳng định các động thái hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Hồi giữa tháng 1, Mỹ khẳng định Nga sẵn sàng tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào", cảnh báo hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Moskva không lựa chọn phương án ngoại giao.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây hạ thấp lo ngại của Mỹ và đồng minh NATO về khả năng Nga tấn công nước này, cáo buộc họ tạo ra một “cơn hoảng loạn”.
"Chúng tôi không cần sự hoảng loạn này. Tôi không thấy tình hình bây giờ căng thẳng hơn trước", ông Zelensky nhấn mạnh.