Bánh cuốn phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành nhưng riêng ở Cao Bằng thì có cách ăn rất đặc biệt. Không phải ăn cùng nước mắm tỏi ớt pha loãng, người dân nơi đây chế biến hẳn một nồi nước canh để chan vào bánh cuốn. Vì thế, món ăn này còn gọi là “bánh cuốn canh”, để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi.
Bánh cuốn canh ở Cao Bằng. (Ảnh minh họa)
Nước canh này được làm từ xương ống hầm trong nhiều giờ, cho thêm ớt và măng ngâm lá mắc mật. Ghé vào quán bánh cuốn canh bất kỳ ở Cao Bằng, bạn sẽ được phục vụ một đĩa bánh cuốn dẻo thơm và một bát canh còn nghi ngút khói.
Nước ninh xương ngọt đậm, thơm lừng nhưng không có váng mỡ nên không tạo cảm giác ngấy. Rắc thêm hành ngò thái nhuyễn, mộc nhĩ, nấm hương và một ít thịt bằm sẽ cho ra một bát nước canh chất lượng.
Nước canh được ninh từ xương trong nhiều giờ. (Ảnh minh họa)
Phần bánh trắng, dẻo, mềm, mịn cũng được làm cầu kỳ chẳng kém. Muốn ra được mẻ bánh hảo hạng, người đầu bếp bắt buộc phải dùng gạo tẻ của đất Cao Bằng. Gạo được ngâm rồi đem đi xay cho đến khi nhuyễn mịn, sánh, dẻo rồi sẵn sàng cho công đoạn hấp bánh.
Nhân bánh thường là thịt lợn xào sẵn hoặc kết hợp với trứng tùy theo sở thích của khách. Bánh luôn được tráng mới liên tục qua bàn tay thoăn thoắt của người chủ quán. Khói nghi ngút mang theo mùi thơm của gạo mới khiến thực khách khó lòng bỏ qua nếu đi ngang một quán bánh cuốn canh.
Vỏ bánh dẻo, mềm còn nhân thì lúc nào cũng đầy ú ụ. (Ảnh minh họa)
Cách ăn của món đặc sản của Cao Bằng như sau: Bánh cuốn được nhúng ngập vào bát nước canh đã được pha với tương ớt và măng chua. Rồi cứ thế đưa lên cắn ngập răng, cảm nhận sự mềm dẻo của vỏ bánh, vị ngậy bùi của thịt bằm, cuối cùng húp thêm một thìa nước canh, thực khách sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái.
Một suất ăn được phục vụ kèm với một bát canh. (Ảnh minh họa)
Sau đó thực khách sẽ chấm bánh vào trong canh và cứ thế thưởng thức. (Ảnh minh họa)
Bánh cuốn canh cũng giống như người đã làm ra món ăn này, có gì đó rất bình dị, dân dã khiến bất kỳ ai đã thưởng thức đều lưu luyến nhớ về.