Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhiều điều kiện với thương nhân đầu mối được đề xuất tại dự thảo lần thứ ba này.
Dự trữ tồn kho xăng dầu đủ cung ứng cho 20 ngày
Tại dự thảo quy định, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm dự trữ lưu thông xăng dầu, duy trì mức tồn kho xăng dầu tối thiểu trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Xăng dầu tồn kho là xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
“Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân của thương nhân trong 1 ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại”, dự thảo nêu.
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định mới. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)
Trường hợp doanh nghiệp mới được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng năm trước chưa thực hiện tiêu thụ nội địa, mức dự trữ lưu thông được tính theo bình quân 1 ngày trong năm.
Về tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, dự thảo quy định, hàng năm, trên cơ sở dự báo nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế và nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, Bộ Công Thương ước tính nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho năm tiếp theo. Nhu cầu xăng dầu phục vụ cho quốc phòng, an ninh được xác định riêng.
Qua đó, trên cơ sở ước tính nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả năm và đăng ký của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao không thấp hơn 100.000 m3,tấn(dầu madút)/năm.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu bao gồm xăng dầu nhập khẩu, xăng dầu mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, xăng dầu tự pha chế. Xăng dầu mua bán giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với nhau không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo đảm nguồn cung, Bộ Công Thương quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước hoặc điều chỉnh tăng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chỉ có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu và gia công xăng dầu xuất khẩu.
Trong đó, chỉ có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
Giữ đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá bán xăng dầu
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Theo đó, giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định.
Trên cơ sở giá sản phẩm xăng dầu thế giới và báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp, Bộ Công Thương công bố chi phí tạo nguồn để thương nhân thực hiện.
Cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu).
Dựa trên những dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Song, giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Thời gian công bố giá bán xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium.
Theo Bộ Công Thương, việc thay đổi này xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%) mà sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Dựa theo đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, lợi nhuận định mức vẫn là 300 đồng một lít,kg xăng dầu.
Các khoản chi phí khác như hao hụt, bốc dỡ, vận tải, bảo hiểm...được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.
Về hệ thống phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định doanh nghiệp phân phối chỉ được mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua xăng dầu của nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Bộ Công Thương cho rằng, theo ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có ý kiến về việc bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.
Do vậy, dự thảo nghị định quy định rõ sẽ xem xét sử dụng quỹ bình ổn trong trường hợp giá thị trường biến động bất thường tác động lớn đến kinh tế - xã hội hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh...