Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đình Trọng nghỉ thi đấu hết năm, HLV Park Hang Seo chịu trách nhiệm đến đâu?

(VTC News) -

Quyết định để Đình Trọng thi đấu ở VCK U23 châu Á là canh bạc thua toàn diện về cả thành tích lẫn tương lai cầu thủ của HLV Park Hang Seo.

Lần thứ ba trong 2 năm, Đình Trọng phải phẫu thuật. Trận đấu gần nhất của Đình Trọng tại V-League đã diễn ra hơn một năm trước, và trận đấu tiếp theo chưa biết bao giờ mới diễn ra. Ai chịu trách nhiệm cho bi kịch của cầu thủ sinh năm 1997?

Chuyện gì đã xảy ra với Đình Trọng?

Trung vệ này dính chấn thương dây chằng chéo hồi tháng 5/2019, phải sang Singapore phẫu thuật, rồi trở về PVF phục hồi cùng chuyên gia trị liệu Choi Ju Young. Trả lời báo chí, ông Choi nhấn mạnh về khả năng trở lại của Đình Trọng như sau.

"Thông thường chấn thương này cần 6 tháng hồi phục. 5 tháng là có thể. 4 tháng là thử thách. Trước đây tôi có phục hồi cho một vận động viên khác chấn thương tương tự. Sau 4 tháng, anh ta hoàn toàn bình phục, có thể chơi lại thể thao bình thường". 

HLV Park đã mạo hiểm với Đình Trọng?

Từ thời điểm Đình Trọng phẫu thuật thành công đến khi ra sân ở VCK U23 châu Á 2020 là 6 tháng, phù hợp với nhận định của chuyên gia Choi. Song, vấn đề của Đình Trọng là trở lại tập phục hồi rất sớm.

Giữa tháng 9, Đình Trọng đã tập với bóng. Đầu tháng 1, anh dự trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và U23 Bahrain, rồi được điền tên vào danh sách dự giải. Đình Trọng trở lại thần tốc sau chấn thương mà một cầu thủ chuyên nghiệp, được điều trị trong môi trường lý tưởng cũng phải mất tới 8, 9 tháng mới hồi phục hoàn toàn.

Khi Đình Trọng sang Singapore tái khám, bác sĩ đã phát hiện cầu thủ này trở lại thi đấu quá vội. Từ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền nhận định tương tự: "Ông Choi đã cho Đình Trọng đá quá sớm. Trên phim chụp thì 3 tháng nữa cầu thủ mới hồi phục, nhưng ông ấy vẫn vội để cầu thủ ra sân".

Theo bác sĩ Hiền, khi Đình Trọng phẫu thuật ở Singapore, anh có liệu trình phục hồi riêng. Về đội U23, Đình Trọng lại tập theo giáo án của chuyên gia Choi Ju Young. Về CLB, Trọng lại có giáo án khác. Độ vênh về mặt chẩn đoán giữa ba bên khiến người chịu thiệt cuối cùng là Đình Trọng. 

Sau khi phải trở lại quá sớm ở giải U23 châu Á, Đình Trọng trả giá đắt. Trở về CLB, Đình Trọng phải tập lại từ đầu, sưng tấy đầu gối và tiến hành cuộc phẫu thuật lần thứ ba trong lặng lẽ. 

Đình Trọng ở vòng chung kết U23 châu Á. 

HLV Park Hang Seo chịu trách nhiệm đến đâu? 

Có thể chuyên gia Choi Ju Young chẩn đoán sai, bởi cầu thủ hồi phục nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ địa, không thể áp dụng khuôn mẫu thời gian hồi phục của người này cho người kia. Ông Choi lường trước điều này, khi từ chối cam kết thời gian Đình Trọng trở lại.

Một khả năng khác là HLV Park biết Đình Trọng chấn thương nhưng vẫn phải dùng, không còn cách nào khác. Sự mạo hiểm của ông Park, bất chấp phản đối từ CLB, khiến Đình Trọng trả giá đắt. 

Đây không phải lần đầu HLV Park mạo hiểm với chấn thương cầu thủ. Ở vòng loại U23 châu Á 2020, chiến lược gia người Hàn Quốc để Đình Trọng ra sân gặp U23 Thái Lan, dù anh mới hồi phục 70% sau ca phẫu thuật ở xương bàn chân.

Đình Trọng tập phục hồi ở PVF.

Ở chung kết U23 châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng chấn thương, với vết đau được mô tả là "đông cứng như thạch cao" dưới thời tiết giá lạnh, nhưng ông Park vẫn dùng. Sau hai lần mạo hiểm đúng, ông Park đã thua ở canh bạc dùng người. Đình Trọng tái phát chấn thương, còn U23 Việt Nam thất bại. 

Tuy nhiên, đặt ngược vấn đề: nếu ông Park để Đình Trọng vào sân và U23 Việt Nam đi tiếp thì sao, hay nếu ông Park để Đình Trọng ngồi ngoài, có ai khen ông lo nghĩ cho tương lai cầu thủ, hay lại chỉ trích U23 Việt Nam vì bị loại sớm?

Không có chữ "nếu" trong bóng đá. Tất cả đều là lựa chọn. Ban huấn luyện đã nghĩ "nát óc" để tìm ra phương án vừa đảm bảo cho cầu thủ, mà vẫn có thành tích.

HLV nào rồi cũng có lúc phải đối diện với bài toán khó: có hay không sử dụng một cầu thủ đang chấn thương. Một trợ lý của HLV Park Hang Seo kể rằng Công Phượng từng giấu ban huấn luyện tình hình chấn thương, và thầy Park chỉ phát hiện ra khi nhận thấy "sự lạ" của Công Phượng khi tập sút chân trái. 

HLV luôn phải lựa chọn một trong hai: tương lai dài hạn của cầu thủ, hoặc mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Cái dài hạn thường được ưu tiên, nhưng dễ chọn thế thì đã không phải là bóng đá.

Khó trách các HLV nếu họ đưa ra sân những cầu thủ đang ở trạng thái 50-50. Việc của HLV là chiến thắng, dù đôi khi phải hy sinh. Không có thứ gì là vẹn toàn.

Quang Hải cũng chấn thương vì phải thi đấu quá nhiều. 

Bi kịch của Đình Trọng phản ánh đúng bộ mặt của bóng đá Việt Nam, rằng kỳ vọng của công chúng đã vượt qua thực lực của đội tuyển. 3 năm qua, những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Đức,... đá không dưới 40 trận/năm, lần lượt gục ngã vì quá tải.

Việc HLV Park Hang Seo cứ phải dùng một nhóm cầu thủ đá hết giải này đến giải khác cho thấy bóng đá Việt chưa nhiều cầu thủ giỏi. Thành tích thời gian qua là nhờ sự nổi lên của một nhóm cầu thủ. HLV Park vẫn chưa tìm được gương mặt khả dĩ nào thay thế nhóm ấy, nên mới có chuyện Đình Trọng rất đau, vẫn cứ phải cắn răng mà đá.

Ngoài ra, y học thể thao ở Việt Nam còn thiếu sót. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ: Khó khăn của y học thể thao là phương tiện ít, đội ngũ không phải ai cũng lành nghề. Các CLB không có bác sĩ giỏi, ĐTQG cũng thiếu những chuyên gia y tế tầm cỡ, đủ sức tham vấn cho ban huấn luyện.

Do vậy, những ca chấn thương nặng nhất đều được gửi về PVF điều trị. Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều trung tâm, đội ngũ y tế chất lượng, nếukhông muốn chuyện buồn của Đình Trọng lặp lại. 

Hồng Nam

Tin mới