Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ trong mùa hè này khi chúng tôi dự kiến tặng những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine. Điều đó sẽ được thực hiện nếu như quá trình chuẩn bị diễn ra theo kế hoạch”.
Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, khung thời gian cuối cùng sẽ phụ thuộc vào thời điểm các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện lái máy bay F-16. Liên minh quốc tế đang tìm cách hỗ trợ Ukraine về lực lượng không quân. Liên minh này ngoài Đan Mạch, còn có sự tham gia của Mỹ và Hà Lan.
Hình ảnh chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon. (Ảnh: cloverchronicle.com)
Tháng 8 năm ngoái, Đan Mạch tuyên bố sẽ chuyển giao 19 tiêm kích F-16 cho Ukraine nhằm giúp Kiev nâng cao khả năng chiến đấu trong cuộc xung đột với Moskva. Trong 19 chiến đấu cơ F-16 này, đợt đầu gồm 6 chiếc, tiếp theo là 8 chiếc vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025.
Hà Lan cũng tuyên bố sẽ cung cấp một số lượng tiêm kích F-16 chưa xác định cho Ukraine sau khi các điều kiện chuyển giao được đáp ứng. Hà Lan hiện có tổng cộng 42 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.
Về phần mình, Mỹ chấp thuận chuyển tiêm kích F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine để đối phó lực lượng Nga sau khi phi công Ukraine hoàn thành các khóa huấn luyện.
Trong động thái mới đây, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ gửi "toàn bộ pháo binh" tới Ukraine để đối phó với Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch không đề cập đến việc nước này đang sở hữu bao nhiêu khẩu pháo và số lượng "pháo binh" sẽ gửi đến Ukraine.
Ukraine đang thiếu đạn pháo, đặc biệt là đạn loại 122 mm và 152 mm. Việc thiếu đạn pháo khiến Ukraine phải thu hẹp một số hoạt động trong thời gian gần đây.
Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Điện Kremlin liên tục cảnh báo không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn.
Xung đột Nga - Ukraine dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao, đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Một số nước đang cân nhắc về việc tiếp tục bơm tiền, viện trợ quân sự để Kiev chống lại Moskva.
Nhiều đề xuất hòa bình cho xung đột đã được đưa ra nhằm giải quyết tình thế bế tắc hiện nay, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.