Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cục Đường bộ yêu cầu rà soát gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại Quảng Nam

(VTC News) -

Cục Đường bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc với đại diện Tập đoàn Thuận An để bàn về khả năng tiếp tục tham gia một gói thầu tại Quảng Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc ngay với đại diện có thẩm quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (thành viên liên danh nhà thầu) về khả năng tiếp tục thực hiện thi công hoàn thành gói thầu XD02 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam. 

Trường hợp không thể tiếp tục triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án 4 căn cứ quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Ban Quản lý dự án 4 cũng được giao phải báo cáo phạm vi, giá trị công việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trong gói thầu XD02, tình hình triển khai thi công đến thời điểm hiện tại; khả năng cung cấp vật liệu, huy động máy móc, nhân công, tài chính; đánh giá các tác động, ảnh hưởng đối với công tác triển khai dự án.

Tập đoàn Thuận An tham gia thi công dự án nâng cấp quốc lộ 14E, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: PLO)

Trước đó, ngày 15/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Theo đó, C03 ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An cùng nhiều thuộc cấp.

Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An được thành lập tháng 8/2004, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT với vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2011 - 2018, Thuận An bắt đầu con đường mở rộng quy mô với 3 lần tăng vốn điều lệ đều tính bằng lần. Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần sau 10 năm. 

Chưa dừng lại, đến tháng 10/2021, doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng và tới tháng 12/2021, Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An luôn ở mức vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Thuận An ở mức 301 tỷ đồng, rồi giảm xuống 258 tỷ đồng vào năm 2018 và đạt 288 tỷ đồng vào năm 2019.

Tuy doanh thu cao nhưng lợi nhuận gộp còn lại của Thuận An trong giai đoạn này chỉ trong khoảng 6 - 17 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận thuần của Thuận An có lúc chỉ đạt gần 1 tỷ đồng và trong các năm 2018 và 2019, lợi nhuận thuần từ mức âm 38 triệu đã lên tới âm 214 triệu đồng.

Tổng tài sản của Tập đoàn Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2019 cũng "trồi sụt", từ mức 612,2 tỷ đồng (năm 2017), giảm xuống 564,7 tỷ đồng (năm 2018), rồi tăng vọt lên 710,6 tỷ đồng (năm 2019).

Tháng 1/2023, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG. 

Những năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, dự án dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng (Bắc Giang), hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM)…

Châu Anh

Tin mới