Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã và đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do một số thị trường tạm ngừng thông quan hoặc tăng cường kiểm dịch phòng chống COVID-19. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nắm sát diễn biến thị trường và thông tin kịp thời đến các địa phương và Hiệp hội ngành hàng.
Ngày 10/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra khuyến cáo tạm dừng đưa nông sản, nhất là trái cây lên các cửa khẩu ở Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc do một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tuyến các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc hiện có 34 cửa khẩu, bao gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 20 cửa khẩu phụ. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số xe vận chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tuyến biên giới phía Bắc đạt 38.493 xe, ở chiều nhập khẩu ghi nhận 32.635 xe hàng hóa nguyên phụ liệu, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản tại các cửa khẩu một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Lúa vụ Đông Xuân được mùa được giá, thuận lợi cho xuất khẩu.
Tại tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và kết quả trao đổi với chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chủ động triển khai các cơ chế chính sách, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu linh hoạt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong khu vực cửa khẩu và trên các tuyến Quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, (Trung Quốc) đã có 6 trong tổng số 12 cặp cửa khẩu thực hiện thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, tính đến ngày 29/3 đã có 15.258 xe được thông quan trong tổng số 30.317 xe với khối lượng hàng hóa hơn 848.000 tấn.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản như: thanh long, mít, dưa hấu, chuối, xoài, nhãn. Tương tự tại các tỉnh có đường biên giới hay thường xuyên có hoạt động giao thương với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang cũng đạt được nhiều kết quả khả quan trong hoạt động xúc tiến thụ nông sản giữa hai nước. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng lưu ý các doanh nghiệp trước mắt sẽ giảm, giãn hoặc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu để tránh việc ù ứ nông sản trên các cửa khẩu. Đối với những nông sản có thời gian bảo quản ngắn nếu chậm thông quan hoặc phải quay đầu sẽ bị thiệt hại rất lớn.
“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cũng như căn cứ vào chỉ đạo của Bộ tiếp tục có những hướng dẫn điều chỉnh sản xuất, khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp trong điều kiện phù hợp, làm sao cho xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi và giúp cho việc lưu thông nông sản của Bắc Giang thời gian tới thuận lợi hơn”, ông Tùng nói.
Triển khai các cơ chế chính sách, điều hành hoạt động tại các cửa khẩu để hỗ trợ cho việc thông quan nông sản xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản tồn đọng do không thể xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp; hướng dẫn một số địa phương đang trồng dưa hấu, thanh long chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ về ngắn hạn như: đậu tương, ngô, rau...
Song song đó, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để phát triển thị trường tại các địa phương của quốc gia này vào một thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh được kiểm soát, được dự báo là cuối quý 2, đầu quý 3 năm nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giao thương với một số thị trường đang bị gián đoạn trước mắt cần tăng cường liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như các địa phương để chung tay góp sức giúp cho việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản vượt qua khó khăn.
“Chúng tôi mong muốn về phía cộng đồng doanh nghiệp phải bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh và chuẩn bị kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để lựa chọn đúng thời điểm chúng ta cung ứng hay là phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là đối với các thị trường xuất khẩu. Phát huy tốt công tác thu mua cũng như chế biến để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, đó là tăng cường thu mua những nhóm mặt hàng: rau, củ quả, thuỷ sản và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cung ứng sản phẩm đối với thị trường trong nước”, ông Toản cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đại dịch COVID-19 tác động tổn thương đến các ngành kinh tế, đối với lĩnh vực nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù, góp phần quan trọng đảm bảo nhu yếu phẩm cả về lương thực và thực phẩm. Đây là những sản phẩm không thay thế trong bất kỳ tình huống nào vẫn phải sử dụng. Trong khi nhiều quốc gia đang gặp khó khăn do dịch COVID-19, Việt Nam đã chủ động được lương thực và thực phẩm là điều rất quan trọng làm tiền đề khi dịch cơ bản được khống chế để tiếp tục tổ chức xuất khẩu phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đem lại cái đời sống cho bà con nông dân.
“Nếu làm tốt chúng ta sẽ đạt “mục tiêu kép”, vừa là có được sản phẩm thiết yếu để phục vụ ngay 100 triệu người dân đồng thời chuẩn bị hàng hoá tích cực gắn khâu nguyên liệu với chế biến, gắn với thị trường để rồi đây nếu như xuất hiện yếu tố tích cực của thị trường thì chúng ta sẽ tăng cường xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đại dịch COVID-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành nông nghiệp nhận thức rõ hơn những hạn chế để khắc phục và có hướng đi mới cho sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Thách thức vẫn đang ở phía trước, đòi hỏi nhiều nỗ lực chung của các địa phương cũng như các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng để biến thách thức thành cơ hội.