Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Quốc phòng Anh nêu lý do Mỹ từ chối ông lãnh đạo NATO

(VTC News) -

Bộ trưởng Quốc phòng Anh tiết lộ, Mỹ mong muốn một nguyên thủ quốc gia hoặc một thủ tướng lãnh đạo khối liên minh quân sự phương Tây.

Ngày 18/7, phát biểu tại hội thảo về tương lai của nước Anh do Viện Tony Blair tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể muốn một cựu thủ tướng hoặc tổng thống giữ chức vụ tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Song ông cũng nói rằng 31 thành viên của tổ chức này không thống nhất được ai sẽ là người kế nhiệm Tổng thư ký Jens Stoltenberg.

“Tôi nghĩ Mỹ có lẽ muốn một nguyên thủ quốc gia cho vị trí này. Theo giả thuyết của tôi, tôi nghĩ rằng 31 thành viên của khối đều mong muốn người lãnh đạo họ phải là một cựu thủ tướng hoặc tổng thống”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Wallce cũng tiết lộ rằng Tổng thống Biden đã đề xuất vị trí này cho cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ít nhất hai lần, tuy nhiên, ông Rutte đã tỏ ra “không quan tâm” tới vấn đề này. Đầu tháng này, ông Rutte đã từ chức và rời chính trường sau gần 13 năm cầm quyền sau khi liên minh của ông sụp đổ vì những bất đồng trong chính sách di cư.

Kể từ khi cựu Thủ tướng Hà Lan từ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã tự ứng cử cho vị trí Tổng thư ký NATO và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ Thủ tướng Rishi Sunak, song lại vấp phải sự phản đối từ Mỹ.

“Tại sao Washington lại không ủng hộ đồng minh thân cận nhất của mình khi họ đưa ra một ứng cử viên? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi công bằng”, ông Wallace nói với tờ Times trong cuộc phỏng hôm 15/7 khi tuyên bố sẽ từ chức khỏi nội các.

Phát biểu tại sự kiện của Viện Blair, ông Wallace mô tả quá trình lựa chọn người đứng đầu của NATO kém minh bạch hơn so với hoạt động chính trị của đảng Bảo thủ. “31 thành viên NATO không có quy trình, không có sự cân bằng, không ai thực sự tuyên bố rằng họ muốn trở thành ứng cử viên. Vậy làm sao mọi người có thể biết quy trình này được thực hiện như thế nào? Rõ ràng là có những quan điểm cạnh tranh”, ông nói.

Một số thành viên của liên minh cho rằng đã đến lúc có một nữ tổng thư ký, nhưng với điều kiện người này phải đến từ một quốc gia đáp ứng mục tiêu chi tiêu quân sự là 2% GDP.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7 ở Vilnius, Tổng thống Biden khẳng định: “NATO đứng vững”. Tuy nhiên, khối lại không thể thống nhất được người thay thế Tổng thư ký Jens Stoltenberg và phải gia hạn nhiệm kỳ của ông một lần nữa đến năm 2024.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trở thành người đứng đầu ban lãnh đạo NATO năm 2014, sau khi rời ghế Thủ tướng Na Uy. Trong một động thái chưa từng có, khối quân sự do Mỹ lãnh đạo đã kéo dài nhiệm kỳ của ông thêm 4 năm vào năm 2018, và sau đó thêm 1 năm vào năm 2022. Lần gần đây nhất, tại hội nghị thượng đỉnh tuần trước ở Vilnius, Litva, khối liên minh quân sự lại tiếp tục gia hạn nhiệm kỳ của ông Stoltenberg thêm 1 năm tới năm 2024 với lý do chưa tìm người phù hợp thay thế ông.

Iceland không có quân đội thường trực và chỉ gia nhập NATO do sở hữu vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù Tổng thống Iceland là nam giới, nhưng cả thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao của nước này – người đảm nhận cả chức năng của bộ trưởng quốc phòng – đều là phụ nữ.

Phương Thảo

Tin mới