Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT nhận lỗi chưa làm cho xã hội hiểu ngành Giáo dục

(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận lỗi khi thời gian qua ngành Giáo dục chưa làm cho phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ, chưa làm cho xã hội thấy những công việc đang làm.

"Tôi nhận thiếu sót khi có nhiều cái mới, nhiều cái đã làm được trong ngành Giáo dục nhưng chúng ta chưa chia sẻ, chưa làm cho xã hội thấu hiểu. Chúng ta chưa làm cho phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ, chưa làm cho xã hội hiểu những công việc đang làm, đó là lỗi của chúng ta", Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ giáo viên phổ thông sáng 15/8.

Theo ông, hiện cả nước có gần 1,6 triệu giáo viên, giảng viên đại học, đây là lực lượng hùng hậu. Do đó Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đối thoại với giáo viên sáng 15/8.

Bộ trưởng Sơn nêu lên 6 vấn đề ngành chú trọng phát triển thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thật tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù trong quá trình triển khai, chương trình còn một số điểm chưa thật sự thống nhất nhưng cần xác định đổi mới là quá trình, không thể vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3 - 4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới.

Thứ hai, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo chúng ta từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ để các tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.

Thứ ba, thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. Trong chương trình phổ thông mới, nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, chúng ta cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào. Sự thay đổi của từng môn học cụ thể ấy gộp lại sẽ mang lại sự thay đổi thực sự theo chiều sâu trong giáo dục.

Thứ tư, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa – đây là điểm quan trọng. Trong giai đoạn trước chúng ta quá phụ thuộc vào sách giáo khoa, sách là chỗ dựa, dạy - học - kiểm tra phải theo sách. "Chúng ta bị khuôn hẹp, lệ thuộc vào sách giáo khoa, trong khi chương trình mới thì sách chỉ là học liệu, khung chương trình là chính", ông nói. Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. 

Thứ năm, giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy.

Thứ sáu, vai trò của hiệu trường, người đứng đầu trường phổ thông. Hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. "Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp", Bộ trưởng Sơn phân tích.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng chia sẻ, thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. 

Bộ cũng kỳ vọng việc xây dựng Luật Nhà giáo thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế, tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên.

Bộ GD&ĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai, ông Sơn nêu thêm.

Hà Cường

Tin mới