Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Đối thoại' trực tiếp với Bộ trưởng GD&ĐT, các giáo viên kiến nghị gì?

(VTC News) -

Các thầy cô giáo có những tâm tư, nguyện vọng muốn gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trước "buổi gặp lịch sử" diễn ra vào ngày mai.

Sau khi VTC News đăng tải loạt bài "Làn sóng giáo viên tiếp tục nghỉ việc tăng", nhiều giáo viên gửi ý kiến, kiến nghị tới lãnh đạo ngành Giáo dục liên quan đến các vấn đề tiền lương, môi trường làm việc, giảm tải hồ sơ sổ sách...

Báo điện tử VTC News đã tổng hợp những kiến nghị, tâm tư của giáo viên gửi đến Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trước thềm buổi gặp gỡ trực tiếp đầu tiên diễn ra ngày mai (15/8). 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm học sinh. (Ảnh minh hoạ)

Thầy cô mong mỏi sống được bằng lương

Theo cô Ngô Thu Hường (36 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), lương thấp là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn giáo viên "dứt áo ra đi". Những người chọn ở lại gắn bó với ngành thì cũng đang từng ngày vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Hầu hết các giáo viên đều nhận định, nghề giáo là nghề người ngoài nhìn vào tưởng chừng rất hào nhoáng, nhưng chỉ có ai trong cuộc mới thấu hiểu những vất vả, mệt nhọc mà lương thì thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Họ phải làm thêm đủ việc, không ngại thức khuya, dậy sớm, thế nhưng, đồng lương kiếm được cũng "chẳng thấm là bao". Nhiều thầy cô có thâm niên trong ngành hàng chục năm nhưng mức lương nhận được lại chẳng đủ để nuôi con học đại học.

>>>Làn sóng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng

"Cởi trói" kiêm nhiệm nhiều công việc

Cô Nguyễn Hồng Hạnh (43 tuổi, giáo viên tại Bình Thuận) chia sẻ, ngoài công việc chuyên môn giảng dạy, đa số giáo viên đều phải kiêm nhiệm thêm những công việc khác, điển hình là công tác chủ nhiệm lớp. Là giáo viên vốn đã áp lực, thầy cô chủ nhiệm thì căng thẳng gấp nhiều lần.

Giáo viên chủ nhiệm không khác gì bảo mẫu, từ chuyện sinh hoạt, lối sống đến vấn đề học tập của con cái, phụ huynh đều "đè đầu" thầy cô chủ nhiệm để "chất vấn".

Ngoài ra, cô Hạnh cũng ví giáo viên chủ nhiệm là biên kịch, biên đạo... vì phải chuẩn bị hàng tá việc ngoài lề trước mỗi chương trình ngoại khóa hay hoạt động chung của học sinh. Nếu giáo viên được tập trung vào chuyên môn, chắc chắn hiệu quả giảng dạy sẽ cao hơn, thầy cô cũng yêu thêm con đường đã chọn chứ không phải trăn trở "có nên rời ngành hay không vì có quá nhiều áp lực bủa vây?".

Ngoài ra, việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp cũng gây ra những bất cập không đáng có. Bởi giáo viên có cùng trình độ chuyên môn, đảm nhận công việc và chịu trách nhiệm như nhau nhưng lại ở hạng cao, thấp khác nhau. 

Nhiều thầy cô gửi tâm tư đến người đứng đầu ngành Giáo dục. (Ảnh minh họa)

Giảm gánh nặng thành tích

Đây là tâm tư nặng trĩu của cô La Thanh Thảo (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội). Ngoài chuyện lương thấp, mỗi năm, cô Thảo còn phải đối mặt với hàng chục kỳ thi lớn nhỏ, từ lĩnh vực chuyên môn đến cuộc thi không chuyên như thi tìm hiểu pháp luật, giao thông, công đoàn... Vừa trực tiếp tham gia, giáo viên vừa phải hướng dẫn học sinh làm bài thi để nộp. 

Ngoài ra, với gánh nặng thi đua, các thầy cô gần như kiệt sức khi phải chịu áp lực từ kết quả học bạ cuối năm, việc thi cử của học sinh, nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Giáo viên phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi, đỗ nguyện vọng một, đảm bảo tỷ lệ đỗ cao cho toàn trường.

Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 là tiêu chí quan trọng để xếp hạng chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản thân giáo viên nếu không đạt chỉ tiêu được giao thì sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp.

Giảng dạy môn tích hợp

Cô Thân Thu Hằng (35 tuổi, giáo viên Lịch sử tại Ninh Bình) mong mỏi được phân công đúng chuyên môn giống như trước đây. Điều này nhằm giúp đảm bảo chất lượng giáo dục, hơn nữa, nhiều thấy cô than khó nếu phải đảm nhiệm thêm môn học. 

Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực thì việc dạy học sẽ tốt hơn.

Là giáo viên Sử khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Hằng lúng túng vì chưa hình dung ra bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao. Bởi thế, giáo viên này mong mỏi Bộ cần xem xét lại việc giảng dạy môn tích hợp. 

Giáo án mới quá rườm rà

Thầy Phan Chiên (44 tuổi, giáo viên Ngữ văn ở miền Trung) cảm thấy giáo viên quá áp lực vì phải soạn giáo án theo công văn 5555. Thầy đánh giá, giáo án mới "dài lê thê", nhiều khi thầy cô không nhìn vào đây để giảng dạy mà vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các bước. Quy định này vừa khiến thầy cô mất thời gian, lại không đạt hiệu quả thực tế cao. 

Theo thầy giáo này, mỗi quy định cần dựa trên tình hình, nhu cầu thực tế chứ không phải đặt ra cho có, không tính đến những bất cập khi triển khai, gây khó khăn, vướng mắc cho giáo viên, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. 

Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng GD&ĐT cùng giáo viên gồm 2 phiên: Phiên 1 đối thoại với giáo viên phổ thông và phiên 2 đối thoại với giảng viên, nhà khoa học. 

Nội dung buổi đối thoại xoay quanh 3 vấn đề chính. Thứ nhất là công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Thứ hai, những khó khăn, bất cấp trong công tác giảng dạy, lương, phụ cấp cho nhà giáo. Thứ ba, giải pháp của Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT về những tồn tại trong thời gian qua.

Cuộc đối thoại sẽ được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ GD&ĐT và kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Đây là diễn đàn để các thầy cô chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến để ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành môi trường làm việc lý tưởng vốn có. 

THI THI

Tin mới