Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bên trong tháp cổ chôn sâu dưới lòng đất được công nhận kỷ lục thế giới ở Huế

(VTC News) -

Tháp Phú Diên vừa được công nhận kỷ lục thế giới do đạt tiêu chí tháp Chăm Pa cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới.

Mới đây, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Tháp Phú Diên là công trình di tích cổ nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế, thu hút rất đông khách du lịch đến thăm quan. Có một thông tin ít người biết đến là trước khi được khai quật thì ngôi tháp cổ này từng bị chôn sâu dưới lòng đất và hiện nằm thấp hơn mực nước biển 3 - 4m. 

Tháp được các nhà khảo cổ học phát hiện bị chôn vùi dưới vùng cát ven biển Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào năm 2001. Tên gọi Tháp Phú Diên được đặt tên theo địa phương nơi phát hiện ra công trình văn hóa đặc sắc này. 

Tháp Phú Diên được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc gạch Chăm Pa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ 8. Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định. Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chămpa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng Tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.

Trước khi xác lập kỷ lục thế giới thì ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng Tháp Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là "Tháp Phú Diên- Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam".

Cấu trúc của Tháp Phú Diên được đánh giá là khác xa với các tháp Chàm khác do được cấu tạo bởi nguyên khối đất nung, không có mái và có vị trí đơn lẻ. Đáng chú ý, thời điểm được phát hiện, tháp bị vùi sâu trong cát từ 5-7m và cách mép nước biển chỉ 120m. 

Để bảo vệ tháp cổ, cơ quan chức năng xây dựng hệ thống kè đá xung quanh di tích để tránh nước biển xâm thực, phá hoại.

Một nhà kính dạng vòm cũng được dựng lên để bảo vệ một cách toàn diện ngôi tháp chính trước gió, mưa và thiên tai.

Những nền móng cũ của tháp Chăm Pa nằm trên mặt cát tồn tại suốt hàng nghìn năm qua ở ven biển Thừa Thiên - Huế . 

Giới nghiên cứu cũng nhận định, tháp Chăm này nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai… 

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới