Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bất động sản đang hút nguồn vốn lớn

Theo các chuyên gia, có một dòng tiền lớn đang chuyển dịch từ thị trường chứng khoán sang bất động sản.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Riêng trong quý I/2019, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án.

 Bất động sản hút vốn.

Còn theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến hết 11 tháng 2018, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh BĐS đạt 6,59 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư, chỉ đứng sau công nghiệp chế biến chế tạo (46,3%).

Trong đó, các nước trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư FDI. Các dự án tiêu biểu đầu tư FDI có thể kể đến, như: Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội (4,14 tỷ USD) do Sumitomo Corporation (Nhật) đầu tư; Dự án Laguna tại Huế điều chỉnh tăng vốn 1,12 tỷ USD từ nhà đầu tư Singapore; Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Vũng Tàu (1,2 tỷ USD) do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư.

Còn chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, bất động sản là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD.

TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, dòng vốn trên thị trường tài chính đang có sự dịch chuyển rất lớn từ thị trường chứng khoán, thị trường vàng sang thị trường bất động sản. Sự dịch chuyển này có thể bắt đầu từ năm 2019 và nhanh thì có thể kéo dài đến năm 2021, còn chậm thì đến năm 2023.

"Điều đó có nghĩa, giai đoạn từ năm 2021 - 2023 thị trường bất động sản sẽ lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ xảy ra bong bóng, còn ở giai đoạn hiện nay thì chưa thể xảy ra” - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không nên kiểm soát tín dụng vào bất động sản một cách hà khắc mà nên kiểm soát tổng tín dụng nói chung. Từ nay đến năm 2021 sẽ chưa có dấu hiệu đổ bể của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia tài chính thế giới, trong giai đoạn 2021 - 2023 là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm đối với cả thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

"Định hướng sắp tới của thị trường bất động sản, ngắn hạn và trung hạn có thể vẫn là nhà ở nhưng triển vọng dài hạn về bất động sản du lịch là rất lớn. Chính phủ nên tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng phát triển du lịch", TS Lê Xuân Nghĩa phân tích thêm.

Ngọc Vy

Tin mới