Chiêu 21/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC).
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai) cho biết quen Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) từ năm 2003, khi đó bị cáo đang là Phó Bí thư tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Khi ông Thành ra Hà Nội họp, đại diện Công ty AIC mời mời lãnh đạo các đoàn ĐBQH gặp gỡ, giao lưu.
Đánh giá về bà Nhàn, ông Thành cho biết, cựu Chủ tịch AIC là người thông minh, hiểu biết, quan hệ rộng. "Theo như bà Nhàn nói thì bà ta quen nhiều địa phương và cấp Trung ương", bị cáo Thành nói.
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành tại toà.
Khi vào Đồng Nai công tác, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng tổ chức các bữa cơm, mời một số người ở các sở, ngành đến tham dự. Tại các cuộc gặp gỡ này, ông Thành giới thiệu Nhàn là Tổng giám đốc, mong mọi người ủng hộ doanh nghiệp với phương châm chính quyền Đồng Nai đồng hành cùng doanh nghiệp.
Về cáo buộc nhận tiền hối lộ, ông Trần Đình Thành thừa nhận bị cáo 6 lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC. Trong đó, 2 lần bị cáo nhận tiền tại trụ sở cơ quan, 4 lần khác nhận tại Công ty AIC. Theo ông Thành, tổng số tiền mà bà Nhàn tặng là 14,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại để khắc phục hậu quả.
"Về mục đích sử dụng, tôi đã dành phần lớn số tiền này để tặng, cho những người bạn chiến đấu của tôi năm xưa, các cựu chiến binh sức khỏe yếu, tặng học sinh nghèo, khuyết tật. Ngoài ra, tôi còn xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương...", ông Thành khai.
Cựu Bí thư Đồng Nai cũng thừa nhận ngay từ đầu thấy rõ hành vi sai phạm của mình. "Bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng về tội Nhận hối lộ. Sau 50 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên bị cáo mắc khuyết điểm nghiêm trọng như vậy", bị cáo Thành trình bày.
Ngoài cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cáo trạng xác định cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng được Nhàn và nhân viên "lót tay" 14,5 tỷ đồng trong hơn 10 năm.
Cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ 6 lần, tổng cộng 14,8 tỷ đồng. Ông Vũ giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga - Phó tổng giám đốc AIC - làm việc với các đơn vị thẩm định giá để thông đồng, chuẩn bị hồ sơ, đưa công ty "quân xanh" vào tham gia thầu nhằm đảm bảo cho Công ty AIC trúng thầu.
Biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính nhưng Nhàn vẫn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính, làm sai lệch hồ sơ để gian lận đấu thầu.
Ngoài Công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh" trong đấu thầu, gồm Công ty MOPHA do bố đẻ của Nhàn đứng tên thành lập và Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột củà Nhàn làm tổng giám đốc; Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ cao.
Nhàn còn thuê một số công ty để làm "quân xanh" dự thầu như Công ty TNT, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS, Công ty nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp…
Từ những chiêu trò "làm xiếc" trên, Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp trị giá hơn 665 tỷ đồng. Cơ quan điều tra quy kết bà Nhàn hưởng lợi hơn 148 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỷ đồng.