Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) cho biết, giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng.
Tỷ lệ đặt vé lệch chiều rất lớn
Trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ 21/1 tới 28/1/2025), tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng. Trong đó một số đường bay đã đạt trên 90% đến 100% từ 23 - 27 tháng Chạp (22/1 - 26/1/2025) như chặng: TP.HCM đi Huế, Pleiku (Gia Lai) Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh đạt 100%; chặng TP.HCM đi Hà Nội, Chu Lai (Quảng Nam) đạt hơn 90%...
Nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết tăng cao. (Ảnh minh hoạ)
Ở chiều ngược lại các chặng Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Pleiku (Gia Lai) Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn, đi TP. HCM trong giai đoạn này, tỷ lệ đặt chỗ rất thấp, chỉ từ 5% đến 30% tùy chặng, tùy ngày.
Điều đáng nói, thời điểm này, các hãng hàng không sẽ phải thực hiện nhiều chuyến bay rỗng (ferry) để vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Ngược lại, vào cuối kỳ nghỉ lễ, sau Tết Nguyên đán (từ 30/1 tới 7/2/2025), các đường bay từ địa phương về lại TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ một số ngày trên các đường bay đã đạt hoặc xấp xỉ 100% như: Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh - TP.HCM…
Đối với các đường bay như TP.HCM đi Đà Nẵng, Hà Nội, chặng Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 25/1/2025 đến 2/2/2025 (tức 26 Âm lịch tới mùng 5 Tết) chỉ đạt trung bình 35% - 40%.
Trước nhu cầu đi lại tăng mạnh ở các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Cục Hàng không tiếp tục điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ hạ cất cánh (slot) tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, từ ngày 21/1 - 9/2/2025, số chuyến bay cất hạ cánh được nâng lên 48 chuyến/giờ vào ban ngày và 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm. Dự kiến số chuyến bay sẽ tăng mạnh trong dịp cao điểm Tết từ 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn trở đi với 800 chuyến/ngày, lượng khách rơi vào 130.000 người/ngày.
Các slot tăng thêm do tham số điều phối tăng đã được Cục Hàng không Việt Nam xác nhận hết cho các hãng hàng không Việt Nam để bổ sung tải cung ứng trên các đường bay hiện đã kín chỗ từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Huế, Chu Lai, Pleiku, Buôn Mê Thuột…
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng sẽ bố trí thêm nhiều chuyến bay đêm đến các cảng hàng không địa phương và điều chỉnh kế hoạch khai thác để bổ sung thêm các chuyến bay vào các khung giờ ngày trong các ngày cao điểm, các ngày có tỷ lệ đặt chỗ 100% ở thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, Cục Hàng không cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có cảng hàng không, sân bay đề nghị hỗ trợ triển khai các giải pháp phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Các hãng hàng không tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. (Ảnh minh hoạ)
“Để phục vụ tốt nhất cho lượng khách gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Cục Hàng không khuyến cáo hành khách cần chủ động về giấy tờ tuỳ thân, thông tin liên quan đến chuyến bay, lịch trình tránh hạn chế chậm chuyến, lỗi chuyến. Đồng thời, người nhà cũng hạn chế số lượng đến đưa, đón đến tại Cảng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ”, Cục hàng không cho biết.
Giá vé vẫn tăng cao
Dữ liệu khảo sát giá vé cho thấy, ngày 22/1/2025 (23 tháng Chạp năm Giáp Thìn), giá vé hạng phổ thông một chiều chặng TP.HCM – Hà Nội được các hãng hàng không niêm yết ở mức khá cao, dao động từ 3,4 triệu - 3,8 triệu đồng, tùy hãng.
Cụ thể, Vietnam Airlines và Bamboo Airways niêm yết giá vé khoảng 3,8 triệu đồng; Vietjet Air giá dao động từ 3,4 đến 3,7 triệu đồng và Vietravel Airlines mức giá 3,2 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng. Mức giá này cao hơn cùng thời điểm năm 2024 từ 800 - 1,4 triệu đồng
Tương tự, chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng, giá vé chiều đi được ghi nhận ở mức cao, khoảng 2,5 đồng với Vietnam Airlines và Bamboo Airways; Vietjet Air và Vietravel Airlines có mức giá dao động trong khoảng 2,2 đến 2,5 triệu đồng.
Giá vé trên chặng TP.HCM - Hà Nội mức từ 3,5 đến 3,8 triệu đồng, tăng hơn 1,2 triệu đồng so với ngày thường và tăng hơn 800 nghìn đồng/chiều so với cùng thời điểm năm 2024. Chặng TP.HCM - Hải Phòng có giá vé khoảng 3,74 triệu đồng của Vietnam Airlines và 3,73 triệu đồng của Bamboo Airways; từ 3,6 đến 3,66 triệu đồng của Vietjet Air.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, sự chênh lệch này phần lớn do nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc tăng cao, khiến giá vé một chiều từ Nam ra Bắc cao hơn so với chiều ngược lại.
Sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân bắt đầu trở lại làm việc, giá vé chiều từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào TP.HCM đã có sự thay đổi.
Ngày 2/2/2025, ngày kết thúc kỳ nghỉ lễ, chặng Hà Nội - TP.HCM mức giá 3,74 triệu đồng/chiều với Vietnam Airlines; 3,7 triệu đồng với Vietjet Air, và 3,4 đến 3,7 triệu đồng với Vietravel Airlines.
Chặng Vinh – TP.HCM mức giá 3,74 triệu đồng/chiều với Vietnam Airlines và Bamboo Airways; 3,68 triệu đồng với Vietjet Air. Tương tự, trên chặng Huế – TP.HCM, giá vé chiều đi ghi nhận ở mức 2,5 triệu đồng với Vietnam Airlines và từ 2,38 đến 2,44 triệu đồng với Vietjet Air.
“Các hãng hàng không phải bay một đầu rỗng nên lấy chi phí bù đắp cho chiều rỗng. Điều này khiến giá vé một chiều từ Nam ra Bắc cao hơn so với chiều ngược lại. Sau kỳ nghỉ Tết, giá vé chiều từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào TP.HCM đã có sự thay đổi, theo hướng ngược lại”, Cục hàng không lý giải.
Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không cũng cho biết, giá vé tăng cao nhưng vẫn nằm trong quy định mức giá trần của Bộ GTVT, đồng thời hãng cũng phải lấy thu bù chi cho đầu rỗng quay vào đón khách.