Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Nhiều bị cáo tham gia tự bào chữa, phân tích bối cảnh thực hiện hành vi, xin được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt cho mình.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, các luật sư đã trình bày nhiều quan điểm bào chữa cho các bị cáo. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo cũng tham gia tự bào chữa, phân tích bối cảnh thực hiện hành vi, xin được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt cho mình.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Đỗ Văn Hồng (Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) cho rằng, bị cáo không có ý định lợi dụng vốn của Nhà nước, bị cáo không có lý do gì để hợp thức khoản tiền tạm ứng 25 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng đã đánh giá bị cáo Hồng đã tích cực hợp tác, khai báo, giúp cơ quan tố tụng làm rõ vụ án... do vậy, bị cáo Hồng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ này và miễn trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Thanh Hà xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Tại phần tranh luận, một số luật sư đã phân tích, xác định nguyên nhân gây thiệt hại trong vụ án và phương pháp xác định trách nhiệm dân sự của các bị cáo. Nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB), luật sư Đỗ Minh Hiển đề nghị Viện Kiểm sát xác định lại vai trò của bị cáo Vũ Thanh Hà trong vụ án này và bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hà.

Bổ sung lời bào chữa của đồng nghiệp, luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hà) phân tích về nguyên nhân gây ra thiệt hại của vụ án, trong đó tập trung vào hai vấn đề chính: Năng lực của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và xác định nguyên nhân gây thiệt hại trong vụ án.

Luật sư Bùi Phương Lan, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Quang (thời điểm xảy ra vụ án là Trưởng ban Kinh tế - kế hoạch của PVC) đề xuất HĐXX xem xét, áp dụng Điều 59 Bộ luật Hình sự  2015 (sửa đổi 2017) để khoan hồng đặc biệt cho bị cáo Đỗ Văn Quang vì bị cáo Đỗ Văn Quang có 4 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1  Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Lan, gia đình của bị cáo Quang là một gia đình có truyền thống cách mạng, gia đình có công nuôi giấu liệt sỹ, đã được Chính phủ tặng nhiều huân, huy chương.

Mẹ đẻ của bị cáo là tù chính trị được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng, bố đẻ của bị cáo Quang được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiện nay, hai cụ đã trên 90 tuổi, rất yếu, nhất là mẹ của bị cáo Quang, mang trong mình nhiều bệnh tật, di chứng để lại từ thời bà ở trong tù, đấu tranh và bị địch hành hạ. Sau khi nghe tin bị cáo Quang bị bắt, bà bị đột quỵ, ốm từ ngày đó đến nay, hàng ngày mong chờ con trai trở về.

Bị cáo Đỗ Văn Quang xin được hưởng khoan hồng.

Luật sư mong rằng HĐXX xem xét, phân hóa vai trò và hành vi vi phạm của bị cáo Đỗ Văn Quang là vai trò thứ yếu, lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên khi lượng hình, mong muốn cho bị cáo được hưởng khoan hồng đặc biệt.

Về phần trách nhiệm dân sự, luật sư của bị cáo Quang  đề nghị xem xét để bị cáo không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại số tiền trên 543 tỷ đồng.

Tự bào chữa, bị cáo Trần Thị Bình (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PVN) khai, bị cáo không thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng tại một số văn bản vì thấy không phù hợp với nhiệm vụ được giao. Công văn chỉ đạo về giá hợp đồng, bị cáo Bình cũng không thực hiện bởi cho rằng đó là việc của chủ đầu tư.

Bị cáo Bình nghẹn ngào rơi nước mắt, xin được xem xét hoàn cảnh dẫn đến việc bị cáo ký các công văn hướng dẫn, vì theo ý chỉ đạo của Đinh La Thăng.

Hôm nay (12/3), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa các luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát.

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, quá trình thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ, do Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên Dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. PVC đưa ra lý do việc dừng dự án vì đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ...

Cáo trạng xác định, hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB tổng số tiền hơn 543 tỷ đồng.

Nguồn: baovephapluat.vn

Tin mới