Video: Hiện trường sạt lở thủy điện Hòa Bình mở rộng nhìn từ trên cao
Ngày 24/12, phóng viên VTC News nhận được phúc đáp của UBND tỉnh Hòa Bình về các nội dung mà VTC News đăng tải.
Theo phản ánh của phóng viên VTC News, vào tháng 10/2017, trên địa bàn thành phố Hòa Bình xảy ra sạt trượt tại khu vực phía đông đồi Ông Tượng, đây là khu vực trụ sở các cơ quan, gồm: Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các ban Đảng của tỉnh Hòa Bình nằm bên sườn đồi. Việc sạt lở đồi Ông Tượng không chỉ uy hiếp đến sự an toàn của các trụ sở cơ quan tỉnh Hòa Bình mà còn là nguy cơ gây mất an toàn đến nhà cửa các hộ dân thuộc phường Chăm Mát (phía đối diện) và hệ thống đường giao thông tại khu vực này.
Hàng loạt công trình công vụ của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình được xây dựng bên sườn phía đông đồi Ông Tượng dù trước đó đã có khuyến cáo ‘tuyệt đối không đào bới’ khu vực này
>>> Tỉnh xây trụ sở khiến sạt lở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng càng nguy hiểm?
Vậy trước khi xây dựng các công trình công vụ tại khu vực này, tỉnh Hoà Bình có tham khảo ý kiến các chuyên gia về địa chất hay không? Quá trình xây dựng diễn ra thế nào?
Văn bản trả lời của UBND tỉnh Hòa Bình do chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh ký, thông tin, trụ sở các cơ quan, gồm: Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các ban Đảng của tỉnh Hòa Bình được xây dựng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, khu vực trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ đến trụ sở Văn phòng UBND tỉnh và đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, khu vực trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ đến trụ sở Văn phòng UBND tỉnh được UBND thành phố Hòa Bình phê duyệt năm 2007 và năm 2014.
“Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng các trụ sở cơ quan nêu trên đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa công trình xây dựng vào khai thác sử dụng tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các quy định khác có liên quan theo từng thời kỳ.
Nội dung tham khảo ý kiến các chuyên gia về địa chất hay không, thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo nhiệm vụ khảo sát địa chất được chủ đầu tư phê duyệt và cơ quan quản lý đầu tư khi quyết định chủ trương đầu tư xây dựng công trình”, nội dung văn bản cho biết.
Phóng viên VTC News đặt vấn đề, ai là người ký văn bản, thông qua chủ trương xây dựng khu nhà làm việc của tỉnh tại khu vực đồi Ông Tượng nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, thì Dự án Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và quy mô đầu tư dự án 4.
Dự án Trụ sở Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hòa Bình thuộc dự án nhóm B, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án là HĐND tỉnh Hòa Bình. Chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hòa Bình được Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án Trụ sở làm việc Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình thuộc dự án nhóm B, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án là HĐND tỉnh Hòa Bình. Chủ trương đầu tư dự án Trụ sở làm việc Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư…
>>> Xây trụ sở gây sạt lở gần chân đập thủy điện Hòa Bình, ai phải chịu trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi, năm 1997, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 100, trong đó có nội dung “Tuyệt đối dừng các hoạt động đào bới, xây dựng bên phải đập, xung quanh khu vực đồi Ông Tượng”, vì sao tỉnh Hoà Bình vẫn có chủ trương xây dựng, mở rộng các công trình tại khu vực nói trên?
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên - chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Hoà Bình trả lời: “Các câu hỏi bên phía Báo điện tử VTC News gửi tôi đã trình lãnh đạo. Nếu phía phóng viên có các tư liệu về văn bản tháng 4/1997 của UBND tỉnh Hòa Bình với nội dung “Tuyệt đối không đào bới khu đất từ trụ sở UBND tỉnh cũ đến khu vực chợ Chăm để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện” thì cho chúng tôi xin, bởi thời điểm cũng đã lâu, bên phía văn phòng không có để trình và các lãnh đạo UBND tỉnh cũng không biết có văn bản này”.
Nhìn từ trên cao vị trí của đập thủy điện Hòa Bình, bên cạnh đồi Ông Tượng (nơi có tượng đài Bác Hồ) và các cơ quan tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình
Trước đó, trao đổi với PV VTC News, nguyên chủ tịch tỉnh Hòa Bình Bạch Công Điệu xác nhận “có Thông báo 100”: “Thời điểm đó công trình thuỷ điện gần như hoàn thiện, ông Thái Phụng Nê, bộ trưởng Bộ Năng lượng, trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình và ông Ngô Xuân Lộc, bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau này là phó thủ tướng có gặp chúng tôi và đề nghị tỉnh tuyệt đối không đào bới khu đất từ trụ sở UBND tỉnh cũ (nay đã được làm mới) đến khu vực chợ Chăm (còn gọi là chợ Thái Bình - PV) để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện”.
“Tôi giao văn phòng uỷ ban làm công văn gửi cho các sở, ban, ngành chấp hành nghiêm chỉnh việc đó, không được đào bới và không được tác động vào khu vực đồi Ông Tượng. Đó chính là khu vực vai phải của đập, nơi xảy ra sự cố sạt lở vừa qua”.
Theo nguồn tin của VTC News, tháng 4/1997, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khi đó là ông Vương Xuân Sơn. Văn bản, do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đinh Thế Diễn ký, nêu: “Hiện tượng sụt lở đất ở một số vị trí tại đồi Ông Tượng đã và đang diễn ra phức tạp, có thể dẫn tới hậu quả không lường hết”.
Bản sao văn bản tháng 4/1997 của UBND tỉnh Hòa Bình
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 1990-2000 (đề nghị không nêu tên) nói với VTC News rằng, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc này cho đến năm 2005, khi chính quyền bắt đầu cho tiến hành các hoạt động xây dựng các công trình công vụ, dỡ bỏ trụ sở uỷ ban cũ (ngay dưới chân đồi Ông Tượng).
“Việc xây dựng trụ sở tỉnh uỷ mới, đào bới đất ở khu vực đồi Ông Tượng gây sạt lở nên phải xây kè, tốn hàng trăm tỷ đồng”, vị cựu lãnh đạo nói. “Sau đó lại tiếp tục xây dựng các công trình, lại sụt, lại kè. Rồi làm trụ sở, hội trường HĐND tỉnh ngay dòng suối chảy từ đồi xuống… Ngân sách của tỉnh những năm đó đều dồn vào việc xây dựng các công trình công vụ”.