Chiều nay (13/8), Thường trực Thành uỷ Hà Nội có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội.
Phát biểu mở đầu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của Thủ đô đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng Hà Nội đang gặp khó khăn trong phát triển thương mại hiện đại.
Tuy nhiên, theo ông Huệ, bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như vấn đề kết nối và phát triển thương mại hiện đại, vấn đề xử lý rác thải…
Lãnh đạo Thành uỷ mong muốn, sau buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Hà Nội sẽ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Đồng thời, giải quyết được những vấn đề khó khăn, tồn tại mà Thủ đô cần sớm tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ, định hướng phát triển kinh tế của TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cơ hội, dư địa của TP về phát triển thương mại nội địa, xuất khẩu.
Về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách nhưng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống. Vì vậy, Bộ Công Thương mong Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: KTĐT)
Bộ trưởng Công Thương cho hay, chiến lược phát triển của các công ty bán lẻ trực tuyến toàn cầu lớn... thường chọn nơi có các trung tâm lớn để làm "bệ đỡ". Bởi theo tính toán, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 40-50% chi phí trong tổng doanh thu nếu có các trung tâm logistic lớn đi kèm, bổ trợ.
Ông cho rằng, Hà Nội rất cần xây dựng 1-2 trung tâm logistic lớn để thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực thương mại điện tử tới đầu tư.
Chưa kể, các trung tâm này sẽ giúp đáp ứng xuất khẩu tại chỗ, phục vụ nhu cầu sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của người dân Thủ đô.
"Đây nên là chiến lược để tạo đột phá phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội thời gian tới", ông Trần Tuấn Anh nêu.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới.
Hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hoà Lạc. Thông qua tham tán thương mại giúp TP tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kinh doanh.
Trong lĩnh vực thương mại, Bí thư Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của TP.
Hỗ trợ trong triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistic trên địa bàn đến năm 2025.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục hỗ trợ TP trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn TP.
Đặc biệt, hỗ trợ TP trong triển khai thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về lĩnh vực này...