Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM và các đơn vị liên quan, đề nghị truy tố 8 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố, ông Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức) bị coi là chủ mưu, cầm đầu.
CQĐT cho rằng, ông Quân phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại của 27 gói thầu số tiền hơn 81 tỷ đồng. Tổng số tiền hưởng lợi của vợ chồng ông Quân đối với 27 gói thầu là 103,6 tỷ đồng, được xác định là tiền thu lợi bất chính, cần phải thu hồi.
Bệnh viện TP Thủ Đức trước khi đổi tên là Bệnh viện quận Thủ Đức.
Kết luận điều tra cho rằng, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là những vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được phát hiện, khởi tố và điều tra.
Qua vụ án này, Cơ quan điều tra Bộ Công an nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội xuất phát từ việc bất chấp, coi thường các quy định pháp luật về đấu thầu của các bị can, người đứng đầu Bệnh viện TP Thủ Đức.
Bị can trong vụ án đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện, câu kết, thông đồng trong ngoài, thành lập các công ty “sân sau” để thông thầu, gian lận thầu, không đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, từng bước dịch chuyển tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân thông qua hoạt động đấu thầu.
Ông Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) bị coi là chủ mưu, cầm đầu. Ảnh: Bộ Công an
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện TP Thủ Đức, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, dẫn đến hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, không được phát hiện, ngăn chặn.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng, Luật Đấu thầu đã có hướng dẫn với các thông tư, nghị định nhưng còn mang tính chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể.
Hiện các trang thiết bị y tế chỉ phân nhóm, chưa chỉ rõ nhà sản xuất và giá đi kèm trên cơ sở công khai giá nhập khẩu của nhà cung cấp và thống nhất giá của nhiều bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Chính điều này có thể tạo ra những kẽ hở để trục lợi, lách luật, đẩy giá trang thiết bị, vật tư y tế lên cao…
Bên cạnh đó, quy trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị đang tốn nhiều thời gian. Từ thời điểm đấu thầu đến khi hoàn tất quy trình, thủ tục đưa trang thiết bị vào sử dụng có thể mất nhiều tháng.
Thiết bị y tế được xem là “mặt hàng đặc thù” nhưng đang quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp câu kết với bệnh viện lợi dụng để nâng giá, hưởng lợi bất hợp pháp.
Kiến nghị
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bệnh viện trong hoạt động đấu thầu. Đặc biệt là các bệnh viện đang áp dụng hình thức tự chủ về tài chính, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, tránh tình trạng vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước mới bị phát hiện, xử lý.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực “kiểm soát quyền lực” của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động đấu thầu đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Các bộ ngành chức năng cần nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, nâng giá các sản phẩm.
Bộ Y tế cần tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị y tế trong toàn quốc, công khai giá trần, giá sàn chi tiết của các trang thiết bị.
Điều này vừa ngăn chặn các công ty thổi giá, vừa chặn đứng ý định móc nối, bắt tay nhau giữa các cá nhân để trục lợi, tránh sai sót trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế và bảo vệ nhân sự của ngành y trong trường hợp không cố ý làm sai.