Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Việt Nam cần Đổi mới lần 2 với cải cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn'

Ông Kamal Malhotra cho rằng, sau những thành tựu của gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa rất quan trọng để nâng tầm sự phát triển tự thân.

 

Sau gần 4 thập kỷ Đổi mới mở cửa, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành tựu đã qua cũng đang đặt Việt Nam trước ngưỡng cửa rất quan trọng để nâng tầm sự phát triển tự thân của mình.

Đây là khẳng định của ông Kamal Malhotra, nguyên Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với phóng viên thường trú VOV tại Ấn Độ.

Ông Kamal Malhotra là người từng có hơn 30 năm kinh nghiêm về sự phát triển và chuyển đổi của Việt Nam.

Nguyên Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra có hơn 30 năm làm việc liên quan tới Việt Nam.

Việt Nam cần Đổi mới lần 2 với tham vọng phát triển mạnh mẽ hơn Đổi mới lần 1

- Chúng ta nhắc tới tham vọng và khát vọng của Việt Nam để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Mục tiêu này đặt trên cơ sở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về chính trị và kinh tế sau tiến trình Đổi mới trong gần 40 năm qua. Ông nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ rằng đó là một sự thay đổi đáng kể tại Việt Nam kể từ năm 1986, khi bắt đầu quá trình Đổi mới. Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia nào khác có thể chuyển đổi nhanh chóng và từ một điểm xuất phát thấp, sau sự tàn phá của chiến tranh như vậy. Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng chặng đường khó khăn đang ở phía trước.

Nếu như GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam vào khoảng 200 đến 300 USD vào giữa những năm 1980, thì bây giờ, con số này đạt gần 4.000 USD mỗi năm.

Nhưng để đạt được mức tối thiểu của trạng thái 'thu nhập cao' theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2045, thì Việt Nam phải đạt được mức tối thiểu 14.000 USD bình quân đầu người mỗi năm vào thời điểm đó. Điều này sẽ rất khó khăn.

Và Việt Nam cũng phải thận trọng để không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp. Đây là những nguy cơ thực sự đối với Việt Nam trong tình hình hiện tại.

Chúng ta nhận thấy những lợi ích và cả nguy cơ do Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến trong vài năm tới, vừa tạo ra nhiều công nghệ mới, nhưng cũng sẽ mang tới những thách thức về kinh tế và chính trị cho Việt Nam. Do đó, năm 2024, Việt Nam đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng ở thế kỷ 21- như thời kỳ Đổi mới năm 1986 và năm 1945, 1954 và 1975 trước đây.

- Vậy ông nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thế nào trong toàn bộ sự phát triển của đất nước?

Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng, dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý thuyết Marx - Lenin lỗi lạc nhất của Việt Nam có trong ba thập kỷ qua. Ông cũng nổi tiếng với chính sách Ngoại giao Cây tre của mình.

Kế thừa và hiện thực hóa những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điều mà Việt Nam đẩy mạnh trong bối cảnh địa chính trị thế kỷ 21 đã hoàn toàn thay đổi.

Và để làm được điều đó, tôi cho rằng Việt Nam cần Đổi mới 2.0 với tham vọng phát triển mạnh mẽ hơn so với Đổi mới 1.0 năm 1986 - giai đoạn Việt Nam chủ yếu tập trung vào "đổi mới kinh tế". Đổi mới 2.0 cần nhấn mạnh đến một chiến lược kinh tế dài hơi cho phép Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

- Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Ông đánh giá ra sao về tính khả thi của kế hoạch này?

Như tôi đề cập, Việt Nam muốn trở thành một quốc gia có "thu nhập cao" vào năm 2045. Để trở thành một quốc gia "phát triển", tất nhiên sẽ đòi hỏi Việt Nam nỗ lực hơn.

Trên thực tế, tiêu chí để trở thành một nước phát triển (theo Ngân hàng Thế giới - WB) là mỗi quốc gia phải đạt thu nhập bình quân đầu người hàng năm tối thiểu là 14.000 USD. Hiện, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam vẫn dưới 4.000 USD. 

Điều đó có nghĩa là Việt Nam phải đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu trong 20 năm tới. Nhưng đó mới chỉ là một yếu tố.

Việt Nam sẽ phải có những cải cách mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, chẳng hạn như cải cách hệ thống tư pháp, đầu tư cho nguồn nhân lực, trí lực và bồi dưỡng xây dựng các thế hệ lãnh đạo mới có năng lực dẫn dắt quốc gia trên mọi phương diện.

- Còn nhiều trở ngại với Việt Nam, cả ở bên trong và bên ngoài nếu muốn đạt được các mục tiêu trong 20 năm tới. Làm thế nào để Việt Nam vượt qua các thách thức này, thưa ông?

Như tôi đã nói, Việt Nam cần một cuộc Đổi mới lần thứ 2. Nhưng Đổi mới 2.0 phải khác với Đổi mới 1.0. Đổi mới 1.0 đã rất thành công, nhưng dễ dàng hơn nhiều, vì điều Việt Nam cần làm khi đó là vươn lên từ khó khăn sau chiến tranh.

Nhưng Đổi mới 2.0 có nghĩa là Việt Nam phải đi từ một quốc gia có thu nhập trung bình thấp lên một quốc gia phát triển.

Về mặt kinh tế, điều đó có nghĩa là Việt Nam cần có nguồn nhân lực trình độ cao, công nghệ cao, để không bị tụt hậu trong thời đại AI, không bị phụ thuộc vào AI.

Việt Nam đã tăng thu nhập bình quân lên gấp 40 lần trong giai đoạn 1989-2023

- Trở lại với lộ trình mà Việt Nam đã đi qua kể từ khi tiến hành Đổi mới. Ông nghĩ sao về nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong giai đoạn 10 hay 20 năm qua?

Việt Nam đã làm rất tốt để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tất cả 8 mục tiêu Việt Nam đều đã đạt được trước năm 2015. Điều đó thật đáng khen ngợi.

Chương trình nghị sự Mục tiêu Phát triển Bền vững mà LHQ đề ra, cần đạt được vào năm 2030 là chương trình nghị sự dựa trên quyền con người. Do đó, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế và xã hội - những vấn đề mà Việt Nam đang thực hiện khá tốt, thì Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đảm bảo các quyền lợi và an sinh xã hội cho người dân.

Ngoài ra, phải kể đến những thách thức lớn khác về biến đổi khí hậu và mặt trận môi trường.

Và Việt Nam đang phải đối mặt rất lớn với hai thách thức. Đó là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Ví dụ, du khách đến Hà Nội hoặc các nơi khác của Việt Nam, nơi nào cũng ngập tràn rác thải từ đồ nhựa. Việt Nam phải thực hiện việc làm sạch môi trường một cách nghiêm túc.

Thứ hai là, Việt Nam cần phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những lĩnh vực mang tính chiến lược và ở quy mô quốc tế để có thể đẩy mạnh cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã đạt được thành tích tuyệt vời trong giảm nghèo đa chiều. Nhưng các bạn hãy đừng chủ quan mà cần phải tiến xa hơn nữa. Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 4%. Điều này thật đáng chú ý, nhưng cần phải nỗ lực nữa.

- Vậy còn thành tựu nổi bật nhất về xóa đói giảm nghèo kể từ khi bắt đầu Đổi mới thì sao, thưa ông?

Tôi nghĩ thành tựu quan trọng nhất là Việt Nam đã đưa khoảng 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong ba thập kỷ qua, trong tổng số dân khoảng 100 triệu người.

Việt Nam cũng đã giảm một nửa tỷ lệ nghèo đa chiều kể từ năm 2005. Mức nghèo tuyệt đối hiện đã giảm xuống còn khoảng 4-5%.

Thật ấn tượng khi Việt Nam đã tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 40 lần trong giai đoạn 1989-2023. Nhưng như tôi đã nói trước đó, Đổi mới 1.0 dễ hơn đối với Việt Nam, còn Đổi mới 2.0 sẽ là thách thức nếu Việt Nam muốn đạt được vị thế quốc gia phát triển hoặc thậm chí chỉ là 'thu nhập cao' vào năm 2045.

Nguyên Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV.

Việt Nam là quốc gia duy nhất có cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

- Trong phần đầu cuộc trò chuyện của chúng ta, ông đã từng nhắc tới bẫy thu nhập trung bình. Nhiều nước đã gặp phải tình huống này và mắc kẹt trong đó. Việt Nam có thể học được bài học gì từ đây, thưa ông?

Bạn sẽ thấy rằng Hàn Quốc trong những năm 1960 và 1970 đã phải vượt qua nhiều thách thức để ngăn chặn việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Họ phải giải quyết vấn đề chính sách xã hội. Họ phải giải quyết việc đầu tư vào giáo dục ở mọi cấp độ.

Việt Nam đang làm tốt khi đầu tư vào giáo dục ở cấp độ cơ bản, nhưng cần chú trọng đầu tư vào giáo dục trình độ cao. Việt Nam cần học hỏi từ ví dụ thành công của Hàn Quốc về mặt này. Giáo dục đại học đi đôi với tự do học thuật.

Một ví dụ khác là Việt Nam cần phải xem xét kinh nghiệm của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một trong số rất ít nơi trên thế giới cho đến nay đã thoát khỏi cả bẫy thu nhập trung bình thấp và bẫy thu nhập trung bình.

Hiện nay, một số quốc gia như Philippines, Thái Lan, Indonseia và Malaysia đang mắc kẹt trong tình trạng này.

Theo quan điểm của tôi, và như tôi đã nói điều này cách đây vài năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất có cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhưng với điều kiện các bạn phải rất nỗ lực, với những bộ óc kỹ trị và cả những nhà kinh tế đẳng cấp tầm thế giới.

- Xin cảm ơn ông Kamal Malhotra về cuộc trao đổi!

Phan Tùng (VOV-New Delhi)

Tin mới