Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.
Những thành tựu đó đã mang lại cuộc sống "ấm no, hạnh phúc" cho người dân và càng củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.
Xếp hàng, tem phiếu... là những ký ức khó quên đối với những người từng sống ở thời kỳ gian khó của đất nước, thời mà người ta quen gọi là "thời bao cấp"... Đó là giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Câu chuyện về "thời bao cấp" tưởng chừng đang mờ dần trong cuộc sống ồn ào, tấp nập, có nhiều đổi thay, nhưng vẫn nằm sâu trong ký ức của bao thế hệ người Việt và được kể lại khi so sánh với cuộc sống đời thường hôm nay.
"Thời bao cấp trước đây là khó khăn lắm. Ăn ngô bung, cả xóm xếp hàng xem tivi. Ngày xưa nghĩ ăn no mặc ấm, còn bây giờ thì ăn ngon mặc đẹp".
"Ngày xưa thời kỳ tem phiếu đều phân phối, cứ đi xếp hàng mua sắm quá vất vả, nhưng đến bây giờ thì cực kỳ sung sướng, tự do mua bán, siêu thị mọc khắp nơi, đường sá được cải thiện, đời sống được nâng lên".
Đó là suy nghĩ của những người dân khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.
Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp. (Ảnh tư liệu)
Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đề ra đường lối Đổi mới, bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, mà "trước hết là tư duy kinh tế", điều tiết kinh tế theo chuyển động thị trường - vấn đề tưởng như là nguyên lý nhưng đặt trong bối cảnh khởi động Đổi mới năm 1986 khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, mới thấy hết giá trị mang tính mở đường của những chủ trương chưa từng có trong tư duy của những người Cộng sản.
GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công, thành tựu của ngày nay.
"Đây là mốc lớn đánh dấu việc chính thức đổi mới của Đảng. Cực kỳ quan trọng, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật và nhấn xoáy vào điểm là đổi mới tư duy. Tư duy ở đây trước hết là tư duy về kinh tế. Đảng ta đang đi đúng trọng tâm", GS.TS Mạch Quang Thắng nói.
GS.TS Mạch Quang Thắng.
Thành tựu của gần 40 năm đổi mới, với việc lựa chọn con đường phát triển đúng trọng tâm, phù hợp quy luật phát triển, từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 2 đánh giá: "Gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, 40 năm ngày chúng ta Đổi mới, gần 95 năm chúng ta xây dựng Đảng. Có thể nói cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế chưa bao giờ được như ngày hôm nay. Đó là nhận thức rất sâu sắc và thực tế. Nhìn lại đất nước chúng ta sau gần 40 năm Đổi mới, thay đổi một trời, một vực. Đời sống đồng bào tất cả các nơi đều được nâng lên.
Mặc dù còn ngổn ngang những công việc chúng ta tiếp tục phải làm nhưng niềm tin ấy vẫn là niềm tin lớn và ngày nay chúng ta đang tiếp tục xây dựng đất nước".
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, "Vượt qua cơn gió ngược", từ Đại hội XIII đến nay, kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng khá cao và giữ được đà khởi sắc ổn định. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay; đồng thời, trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, bất ổn, biến động vượt ngoài dự đoán.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn được Quốc hội quyết nghị. Lạm phát được kiểm soát. Vị thế quốc tế của đất nước chúng ta, các định vị tín nhiệm được cải thiện".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Tuy vậy, tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển đang đặt ra không ít thách thức, khó khăn, trong đó có các loại "bẫy" như: "bẫy thu nhập trung bình", bẫy lao động giá rẻ, bẫy năng suất lao động thấp... đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả dân tộc nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu quốc gia phát triển đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và kiên định của cả dân tộc.
Hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045 đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho nhiệm kỳ khóa XIV của Đảng, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra trung tuần tháng 9 vừa qua: "Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm Đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam".
Với những thành tựu của 40 năm Đổi mới càng củng cố thêm niềm tin của người dân đối với đảng. Để rồi, từ niềm tin đó, sự đoàn kết, sự đồng lòng, đồng sức của người dân cả nước trên mọi mặt trận, từ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội đến an ninh quốc phòng lại được phát huy cao độ, để tạo nền móng vững chắc, tạo đà cho đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.