Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ về cách dạy, học môn Ngữ văn trong trường phổ thông, từ đó nêu lý do khiến môn học trở nên nhàm chán với học sinh.
Dạy Văn để thi cử
Nhiều học sinh than thở các em không thích học Văn nhưng phải học để đi thi. Đi thi tất nhiên ai cũng mong được điểm cao nhưng cách cho điểm môn Văn lại theo barem điểm. Do vậy học sinh để có điểm cao môn Văn thì yêu thôi là chưa đủ mà cần phải học đủ ý như được dạy. Việc học thay vì tạo niềm vui lại trở thành nghĩa vụ bắt buộc.
Học Văn để đi thi là lý do chính khiến môn học này kém hấp dẫn học sinh và giáo viên. Những giáo viên dạy Văn có thể dạy thoáng, dạy mở ở các khối dưới. Nhưng đến năm cuối cấp phải gò học sinh ôn luyện phục vụ thi cử. Điều này hạn chế sự sáng tạo và cảm xúc của các em.
Dạy theo kiểu học thuộc, không tư duy
Xã hội đang nhìn nhận Ngữ văn là môn học thuộc. So với các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, người học Văn không cần thiết phải tư duy quá nhiều. Chính quan niệm này làm giảm giá trị của môn Văn. Tuy nhiên phải nhìn nhận khách quan, sở dĩ xã hội có cái nhìn như vậy là bởi cách Ngữ văn trong nhà trường thiên về đọc chép, không chú trọng phát triển tư duy của học sinh.
Nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ câu chuyện thi cử. Bởi điểm thi môn học này được chấm theo barem điểm nên giáo viên sẽ dạy theo kiểu đọc chép. Học sinh làm bài chỉ cần đúng ý, đủ điểm và không dám phá cách.
Với cách dạy theo kiểu học thuộc sẽ hạn chế năng lực tư duy, phản biện xã hội của học sinh. Nhiều em sau khi ra trường cảm thấy tiếc nuối vì không học môn Văn tử tế. Nhưng các em cũng tâm sự thật, với cách dạy Ngữ văn khô cứng như hiện nay, chẳng mấy học sinh yêu thích môn học này.
Dạy thụ động, thiếu sự phản biện
Vài năm trở lại đây, trong cấu trúc đề thi Văn mới dè dặt thêm phần nghị luận xã hội. Trong khi đó nhiều nước đã có những đề thi Văn 100% là nghị luận xã hội. Nhiều học sinh so sánh cách viết văn bằng tiếng Anh và viết văn bằng Tiếng Việt. Các em thừa nhận thích viết văn bằng tiếng Anh hơn vì được thoải mái sáng tạo trên nhiều khía cạnh.
Chính sự thoải mái đó thúc đẩy sáng tạo, tư duy mở của học sinh. Do vậy muốn học sinh hứng thú với môn Ngữ văn cần phải thay đổi cấu trúc đề thi theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học.
Nghị luận xã hội chính là mảnh đất giúp học sinh khai phóng tư duy và bày tỏ chính kiến của mình. Giáo viên phải đưa được những vấn đề đa chiều và cho phép học sinh phản biện.
Dạy Văn để đi thi là một trong những lý do chính khiến môn học này nhàm chán. (Ảnh minh họa: VTV)
Dạy Văn mang tính áp đặt
Đối với môn Toán, Lý, Hóa học sinh có thể giải bài tập theo nhiều cách khác nhau chỉ cần đúng kết quả. Và chúng ta khen ngợi những các em đó là thông minh, sáng tạo. Nhưng không em nào học môn Ngữ văn khi đi thi lại dám viết lên suy nghĩ trái với những điều được dạy trên lớp. Đây là điểm hạn chế trong cách dạy môn Ngữ văn tại nhà trường khi nặng về tính áp đặt.
Hàng chục năm qua, chúng ta vẫn dạy học trò nhân vật chính diện luôn luôn là người tốt, nhân vật phản diện bắt buộc là người xấu. Nhưng cuộc sống này vốn đa chiều và xã hội luôn vận động. Bất kể một sự vật, hiện tượng, con người nào cũng có những mặt được và chưa được. Môn Văn phải khơi gợi được chính kiến của học sinh thay vì ép các em phải viết, nói những điều các em không nghĩ.
Chú trọng kỹ năng viết, bỏ qua đọc hiểu, nói
Trong môn Ngữ văn có 3 kỹ năng rất quan trọng bao gồm nói, viết và đọc hiểu. Nhiều nền giáo dục chú trọng đến việc dạy nói, đọc hiểu, viết cho trẻ. Nhưng học sinh Việt Nam chỉ được học viết chưa được dạy cách nói, đọc hiểu. Có thể nhìn thấy điểm yếu cố hữu của học sinh nước ta đó là kỹ năng nói rất yếu, không dám bày tỏ suy nghĩ cá nhân, không dám đứng thuyết trình trước đám đông.
Cho nên để môn Văn hấp dẫn với học sinh, giáo viên phải thay đổi cách dạy cho phép các em được nói, được bày tỏ quan điểm. Có như vậy cái gốc rễ mà môn Văn vun trồng mới bám chặt, bám sâu.
Nặng tính giáo điều, xa rời cuộc sống
Cách dạy Văn đi theo một lối mòn. Nhiều giáo viên thời đại 4.0 nhưng vẫn giữ một giáo án, phương pháp dạy cách đây hàng chục năm. Vì người ta ngại đổi mới nên mặc định chỉ dạy học sinh những điều có trong khuôn mẫu.
Trên thực tế, xã hội luôn vận động và phát triển. Nếu vẫn giữ khư khư cách dạy theo lối mòn học sinh sẽ nhàm chán. Những tác phẩm được lựa chọn đưa vào giảng dạy trong sách vở không phản ánh hết thực tế cuộc sống vốn đã sinh động. Cho nên để học sinh hiểu, tiếp thu và yêu môn học này, người giáo viên cần phải đổi mới phương pháp dạy, gắn chặt môn Văn với những bài học trong cuộc sống.
Suy cho cùng cái địch lớn nhất của việc học Văn là để trau dồi tâm hồn và học cách làm người. Nếu giáo viên không hướng học sinh đến những giá trị đó thì môn học này đương nhiên sẽ bị gắn mác nhàm chán.