Khác với nghị luận đời sống, đây là một dạng bài nghị luận mà các bạn học sinh gặp khó khăn nhất. Bởi nghị luận tư tưởng đạo lý là những vấn đề trừu tượng không cụ thể, rõ ràng, là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, nhân cách con người.
Về cách giải quyết dạng bài này, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, chia sẻ nội dung học sinh cần nắm chắc.
Cần triển khai 4 luận điểm
Luận điểm thứ nhất là giải thích khái niệm. Học sinh cần giải thích được các khái niệm về tư tưởng đạo lý. Ví dụ: học sinh phải giải thích được lòng trung thực, tính tự trọng và đức tính khiêm tốn là gì; những tấm gương vượt lên số phận là thế nào; thế nào là lối sống ích kỉ và hưởng thụ cá nhân.
Luận điểm thứ 2 là nhận định đánh giá tư tưởng. Đó là những tư tưởng mang tính chất tích cực hay tiêu cực; là tư tưởng tiến bộ hay chưa tiến bộ; là tư tưởng cần trao đổi thêm hay như thế nào.
Luận điểm thứ ba là phân tích vai trò, tác hại của tư tưởng. Cụ thể, học sinh cần phân tích nguyên nhân, vai trò, tác hại của tư tưởng đạo đức với đời sống xã hội. Ví dụ, khi phân tích vai trò của lòng tự trọng trong đời sống, thì học sinh cần trả lời câu hỏi “vì sao cần phải có lòng tự trọng trong đời sống?”.
Luận điểm thứ 4 là phản đề, bài học nhận thức và hành động. Học sinh cần đưa ra luận điểm trái chiều, phản bác lại bằng cách lật ngược lại vấn đề vừa bàn luận, đưa ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Học sinh lớp 10 THPT. (Ảnh minh hoạ)
Để giúp các em học sinh rõ hơn, cô Thu Trang đưa ra một ví dụ cụ thể. Giả sử đề bài yêu cầu bàn luận về lòng trung thực trong đời sống, cô gợi ý các bước làm như sau:
Bước 1, học sinh cần giải thích được thế nào là lòng trung thực. Học sinh cần diễn đạt theo cách khác để giải thích các khái niệm như: thực là thành thực, trung là sự đứng đắn, chính trực. Khi đó mới giải thích khái niệm lòng trung thực là thực hiện những điều đứng đắn, chính trực, không có sự giả dối trong lối sống.
Bước 2, học sinh cần phân tích những biểu hiện, đánh giá đây là một lối sống, một phạm trù đạo đức tích cực, một phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta đều phải rèn luyện trong đời sống.
Bước 3, học sinh cần phân tích vì sao phải trung thực trong đời sống. Ví dụ, lòng trung thực giúp đem lại niềm tin cho mọi người, giúp mọi người tin tưởng chúng ta hơn; rèn luyện trở thành con người sống đạo đức, chính trực hơn trong cuộc sống… Điều đó được thể hiện trong kinh doanh như việc giữ chữ tín hay trong học tập như không gian lận trong thi cử.
Bước cuối cùng, các em phân tích vai trò, tác động của lòng trung thực trong đời sống. Ngoài ra ở phần phản đề, học sinh cần phê phán tư tưởng trái chiều, trái ngược với sự trung thực. Ví dụ, sự giả dối sẽ đem lại hậu quả như thế nào đối với lòng tin của mọi người, làm cho phẩm chất của người đó ngày càng tiêu cực hơn.
Lưu ý cấu trúc, dạng bài và dẫn chứng
Để bài văn có cấu trúc tốt, các em cần xây dựng theo khung cơ bản sau: Mở bài (nêu vấn đề); Thân bài (giải thích tư tưởng, đánh giá nhận định, phân tích tác dụng/vai trò của tư tưởng trong cuộc sống, phê phán tư tưởng trái ngược, bài học nhận thức và hành động; Kết bài (đánh giá chung).
Chú ý, đối với đề ra tư tưởng tích cực, trong nội dung triển khai, học sinh cần phân tích vai trò, tác động của tư tưởng đó đến đời sống. Còn đối với đề ra tư tưởng tiêu cực, các em cần phân tích hậu quả của tư tưởng đó đối với đời sống xã hội.
Ngoài ra, trong đề có thể có yêu cầu viết đoạn văn nghị luận hoặc đề bài có thể được trình bày dưới dạng đề bài trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách đưa ra cho học sinh một câu chuyện, một bài thơ, một câu danh ngôn, nhưng dù thế nào, các em cũng cần bám sát cấu trúc 4 luận điểm trên.
“Đặc biệt, đối với dạng nghị luận đời sống và tư tưởng đạo lý, học sinh cần phải đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, có tính xác thực, đa dạng ở nhiều lĩnh vực, giúp bài viết của các em thêm phong phú và lập luận chặt chẽ hơn, từ đó bài sẽ được đánh giá tốt và có điểm cao hơn”, cô Thu Trang chia sẻ.