Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao mặt cầu Thăng Long dùng vật liệu làm đường đua xe F1 để sửa chữa?

(VTC News) -

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa thông tin thêm về việc mặt cầu Thăng Long dùng vật liệu làm đường đua xe F1 để sửa chữa.

Sáng 2/8, trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thông tin cho rằng mặt cầu Thăng Long sử dụng vật liệu đường đua xe F1 để sửa chữa mặt cầu Thăng Long dễ gây hiểu nhầm.

“Thực chất, vật liệu của đường đua xe F1 được sử dụng để sửa chữa mặt cầu Thăng Long là loại đá có xuất xứ từ mỏ đá Phú Mãn (Quốc Oai, Hà Nội). Loại đá này từng được sử dụng để thi công tại Dự án đường đua F1 Hà Nội", ông Nguyễn Văn Huyện thông tin thêm.

Sau thời gian dài bị phản ánh xuống cấp, cầu Thăng Long đang được sửa chữa, nâng cấp.

Đá Phú Mãn (Quốc Oai, Hà Nội) là loại đá có chất lượng cao, được nhiều công trình xây dựng tầm cỡ sử dụng làm vật liệu thi công bê tông nhựa như dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, đường đua F1 Hà Nội…

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, chất lượng bê tông nhựa có đảm bảo hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của mỏ đá.

Sau thời gian dài bị phản ánh xuống cấp, cầu Thăng Long đang được sửa chữa, nâng cấp. Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Nhà thầu thi công được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Thời gian thực hiện sửa chữa dự tính kéo dài 150 ngày, kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020.

Mức kinh phí cải tạo lần này thấp hơn gần 44 tỷ đồng theo phương án nghiên cứu của Tư vấn Nhật Bản đưa ra năm 2014.

Qua quá trình thí nghiệm, các chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải khẳng định độ tin cậy của giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long và sẽ thử nghiệm 120m trên mặt cầu trước khi thi công đại trà.

Trước khi tiến hành sửa chữa, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham gia tư vấn, góp ý giải pháp công nghệ cho việc sửa mặt cầu Thăng Long.

Qua kiểm định, giàn chủ và bản thép mặt cầu dày 14mm của cầu Thăng Long chưa xuất hiện hư hỏng, vẫn đảm bảo khả năng chịu lực. Tuy nhiên, thiết kế bản thép mặt cầu từ những năm 1980 không đáp ứng yêu cầu về độ cứng theo tiêu chuẩn hiện hành dẫn đến bản mặt cầu bị võng cục bộ, không phù hợp với tải trọng, lưu lượng xe hiện nay.

Để sửa chữa mặt cầu Thăng Long cần tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu, đảm bảo độ dính bám giữa mặt cầu và lớp phủ, chống thấm, chống đọng nước xuống bề mặt bản thép mặt cầu.

Giải pháp đưa ra là cải tạo bản thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ bằng cách làm sạch bản thép mặt cầu, hàn đinh neo dài 5cm theo công nghệ hàn Plasma tốc độ nhanh (0,17 giây) để không gây biến tính vật liệu thép. Sau đó đặt lưới thép lên rồi đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ tối thiểu 120Mpa, dày tối thiểu 60mm. Trong quá trình thi công sẽ che chắn cầu Thăng Long để tránh mưa, nắng, đảm bảo nhiệt độ bê tông.

Để phục vụ công tác sửa chữa, từ 28/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long. Tổng cục Đường bộ đã phối hợp các Sở GTVT phân luồng từ xa cho xe tránh đi qua cầu Thăng Long bằng các cầu Vĩnh Thịnh, Đông Trù, Thanh Trì...

Đối với xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm TP Hà Nội, xe buýt, xe chở công nhân có lộ trình đi qua cầu Thăng Long được cơ quan chức năng hướng dẫn đi qua cầu Nhật Tân.

Linh Phi

Tin mới