Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cầu Thăng Long trong ngày đầu tiên cấm các phương tiện để sửa chữa

(VTC News) -

Từ 9h ngày 28/7, lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc sửa chữa mặt cầu.

Video: Cầu Thăng Long cấm xe để sửa chữa, các phương tiện di chuyển thế nào?

Sáng 28/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp cùng Thanh tra sở Giao thông Vận tải và Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội lập rào chắn cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để sửa chữa mặt cầu.

Tất cả các loại xe đi trên tầng 2 của cầu bị cấm từ 9h ngày 28/7. Trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long, tầng 1 gồm 2 làn xe thô sơ vẫn hoạt động bình thường. Làn tàu hỏa ở giữa được lưu thông với tốc độ 5 km/h.

Trong vòng 10 ngày (từ 28/7 đến 8/8), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan sẽ theo dõi việc phân luồng, nếu có vấn đề bất cập sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Đến 9/8 sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để thi công.

Trả lời VTC News, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã ban hành phương án phân luồng tổ chức giao thông, các phương tiện sẽ căn cứ vào phương án phân luồng để lựa chọn lộ trình đi sao cho phù hợp. Thời gian sửa chữa cầu dự kiến sẽ làm tối đa trong 5 tháng.

 Cũng theo lãnh đạo thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Sở đã có phương án chi tiết để bố trí các lực lượng kết hợp cùng CSGT hướng dẫn các phương tiện và người dân tham gia giao thông tại 15 vị trí, trọng tâm là đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Cầu Nhật Tân.

Chiến sĩ CSGT hướng dẫn tài xế ô tô đi theo lộ trình khác.

Theo phương án sửa chữa, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa trên mặt cầu Thăng Long, làm sạch bản mặt thép rồi hàn các đinh neo, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao. Sau đó, mặt cầu được phủ lớp bê tông nhựa tạo nhám.

Dự kiến kinh phí dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long là gần 270 tỷ đồng bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, công trình có tuổi thọ ít nhất khoảng 10 năm. 

Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3, km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112m. Mặt cầu bằng thép tấm thảm bê tông nhựa.

Tầng trên có bề rộng 20m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2m. Tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt khổ ray 1.435m, hai bên là đường xe thô sơ, xe máy 3,5m.

Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.

Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.

Sau đó, cầu Thăng Long còn được “đại tu” thêm vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng.

Nhật Vũ - Văn Giang

Tin mới