Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao cáp biển AAG liên tục đứt nhưng các nhà mạng Việt Nam vẫn bị phụ thuộc?

(VTC News) -

Các tuyến cáp quang biển, trong đó có AAG thường xuyên bị sự cố nhưng vẫn được các nhà mạng sử dụng, vì sao?

AAG (Asia America Gateway) là một trong năm tuyến cáp biển chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cụ thể là trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tuyến cáp biển AAG đi qua là: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ.

Từ khi đưa vào khai thác, AAG thường xuyên gặp sự cố. Mới đây nhất vào đêm 22/10, nhánh S1I gặp trục trặc, kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là đứt cáp. Theo thông báo lỗi này sẽ được khắc phục xong vào ngày 10/12. Tuy nhiên, ngay cả khi kế hoạch này thực hiện thì tuyến cáp AAG vẫn chưa thể khôi phục được hoàn toàn, do lỗi cáp trên hướng kết nối Việt Nam – Singapore cuối tháng 10 chưa có lịch sửa.

Đây là lần thứ ba AAG gặp sự cố trong năm nay. Thống kê từ năm 2017, mỗi năm AAG gặp sự cố từ 3 đến 5 lần. Trong khi mỗi lần gặp sự cố, thời gian khắc phục thường phải kéo dài ít nhất 3 tuần. Trong khi đó tuyến cáp biển AAE-1 vẫn chưa được khắc phục. Cáp quang thường xuyên gặp sự cố khiến việc liên lạc và trao đổi thông tin của người dùng Việt Nam bị chậm.

Vì sao AAG vẫn là lựa chọn của nhà mạng? 

Đến nay khoảng 436 tuyến cáp (khoảng 1,3 triệu km) ngầm đang được sử dụng trên khắp thế giới. Tổng số cáp liên tục thay đổi khi cáp mới đi vào hoạt động và cáp cũ ngừng hoạt động. 

Theo một chuyên gia, ngoài cáp quang biển còn có cáp quang tuyến đất liền, kết nối qua vệ tinh. Tuy nhiên cáp quang đất liền khó triển khai, phạm vi hẹp nên không phải là các tuyến kết nối chính. Kết nối vệ tinh cũng ít được dùng do giới hạn băng thông, chất lượng phụ thuộc vào môi trường, chi phí rất cao. Thống kê do Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ công bố vệ tinh chỉ chiếm 0,37% tổng dung lượng quốc tế của Hoa Kỳ.

Do đó, để kết nối với Internet quốc tế, chúng ta chỉ có cách dùng cáp quang biển, cáp quang đất liền. Bởi các kênh kết nối khác đều dung lượng nhỏ. Vì vậy, các nhà mạng cũng phải thích ứng với khả năng sự cố cáp biển.

Ông Vũ Thế Bình, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, phần lớn lưu lượng Internet nước ta đi qua các tuyến cáp biển do "tính kinh tế". Vì vậy, khi có sự cố, Internet sẽ bị ảnh hưởng, cổng nối quốc tế bị thu hẹp lại. Lúc này các nhà mạng sẽ phải mở các hướng dự phòng qua tuyến cáp biển khác hoặc qua cáp trên đất liền. Thông thường vài ngày đến vài tuần sau sự cố, thì các nhà mạng mới bù đủ kết nối quốc tế. Vì vậy, người sử dụng Internet có thể cảm thấy trải nghiệm ứng dụng có vấn đề thời gian đầu.

Ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) cũng cho rằng, từ trước đến nay, để kết nối Internet quốc tế giữa các quốc gia, châu lục… cáp quang biển vẫn là giải pháp ưu việt nhất, trở thành phương tiện truyền tải thông tin trọng yếu trên toàn cầu, với nhiều lợi thế vượt trội về tốc độ, công nghệ và độ tin cậy. Vấn đề khó khăn của cáp quang biển nằm ở chi phí đầu tư và quá trình lắp đặt, vận hành phức tạp.

Thực tế, việc xây dựng một tuyến cáp quang biển mới không dễ dàng, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và kế hoạch triển khai lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp. Bởi toàn bộ hệ thống cáp chính sẽ phải nằm trong hải phận quốc tế.

AAG là tuyến cáp biển đầu tiên của Viettel, vận hành từ năm 2009. Xác định đây là tuyến cáp lâu năm, sử dụng công nghệ cũ nên hiện tại đơn vị chỉ duy trì khoảng 3% dung lượng quốc tế qua hướng này. Bởi vậy, khi tuyến cáp này bị sự cố, khách hàng của Viettel hầu như không bị ảnh hưởng, vì dung lượng còn lại trên các hướng khác hoàn toàn đáp ứng nhu cầu, kể cả giờ cao điểm, thậm chỉ vẫn đủ để các doanh nghiệp khác có thể thuê lại.

Kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc AAG

Từ cách đây khoảng 6-7 năm, các nhà mạng Việt Nam đã lên kế hoạch giảm dần sự sự phụ thuộc AAG, cũng bởi tuyến này hay gặp sự cố và việc bảo trì diễn ra quá lâu, gây ảnh hưởng người dùng. Điều này được thể hiện qua việc đưa vào vận hành tuyến cáp quang biển APG (năm 2016) và tuyến cáp AAE-1 (năm 2017).

"Để đảm bảo an toàn và khả năng kết nối đa dạng, Viettel luôn phân tán lưu lượng quốc tế ra các hướng khác nhau và không hướng nào chiếm quá 20% băng thông. Song song với đó, Viettel sẽ nỗ lực tìm kiếm, đầu tư các tuyến cáp biển mới có quy mô lớn và công nghệ tiên tiến hơn", ông Vũ nói.

Trong những năm qua, Viettel triển khai nhiều giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển truyền thống. Ngoài AAG và IA khai thác được 9-10 năm, Viettel thêm tuyến APG vào năm 2016 và AAE-1 vào năm 2017. Đây là các hệ thống cáp quang biển tiêu chuẩn thiết kế tốt, sử dụng loại cáp 2 lớp bảo vệ, được chôn sâu tối thiểu 3m nên hoạt động cơ bản ổn định hơn. Ngoài ra, Viettel còn có các hướng kết nối qua cáp quang đất liền đi qua Trung Quốc và tuyến cáp trục Đông Dương qua Lào, Campuchia.

Trạm cập bờ của Viettel tại Vũng Tàu - nơi vận hành 2 tuyến cáp biển IA và AAE-1.

Năm 2020, Viettel là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam tham gia đầu tư vào hệ thống cáp quang biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable), dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2022. Đây là tuyến cáp có chiều dài 9.400km, kết nối Việt Nam với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan, có dung lượng băng thông toàn tuyến lên tới 140Tbps nhờ thiết kế gồm nhiều cặp sợi quang, cho phép truyền tải dữ liệu lớn, tốc độ cao.

Theo đại diện FPT Telecom, khi sự cố xảy ra, tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp mà không tập trung ở một hoặc 2 tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro. Với FPT Telecom, trong 2 năm gần đây đơn vị đã tăng lưu lượng băng thông quốc tế hơn gấp đôi để dự phòng khi cáp quang biển gặp sự cố.

Vì thế, khi cáp trục trặc, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ nhằm đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất.

"Trong thời gian 2-3 năm tới sẽ có thêm một số tuyến cáp quang biển mới. Tôi tin là sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ bổ sung vào băng thông tuyến quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam", vị đại diện FPT Telecom nói. 

Thực tế, hầu hết các nhà mạng khác đều triển khai phương án chuyển lưu lượng sang cáp biển khác như APG, IA, SMW3 và các hướng cáp đất liền.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng  phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 khẳng địn: Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn)”. 

Thanh Hải - Minh Khôi

Tin mới