Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao cáp quang biển liên tục đứt?

(VTC News) -

Cáp quang biển liên tục đứt không phải hiện tượng hiếm, thậm chí hơn một tuyến cáp gặp sự cố cùng lúc, nhất là trong những năm gần đây.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia khai thác 6 tuyến cáp quang biển gồm AAG (Asia America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA-ME-WE3), TVH (Thái Lan - Việt Nam - Hongkong), cáp quang biển Liên Á - IA (Tata TGN-Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1).

Từ khi hoạt động cho đến nay, các tuyến cáp quang biển nhiều lần gặp sự cố, đặc biệt việc này xảy ra tần suất dày hơn trong vài năm gần đây. Mới nhất, AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I tối 22/10 kết nối Việt Nam đi HongKong (Trung Quốc). Trên tuyến cáp này vẫn còn sự cố khác tại nhánh kết nối Việt Nam - Singapore hiện chưa có kế hoạch khắc phục. Trong năm, đây là lần thứ 3 AAG gặp sự cố. Các lần trước vào ngày 22/6 (đã sửa xong ngày 12/7) và 19/7 (sửa song ngày 20/8) cùng trên nhánh S1H. 

Bên cạnh đó, 1 tuyến cáp biển khác là AAE-1 cũng bị lỗi. Trước đó, ngày 4/9 và 7/9, tuyến cáp AAE-1 lần lượt bị lỗi trên 2 đoạn cùng trên nhánh cáp S1H - đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan. 

Dự kiến tháng 12 tuyến AAG mới được sửa chữa xong.

Nguyên nhân

Các tuyến cáp cùng trục trặc khiến người dùng Internet khó khăn khi truy cập website và dịch vụ quốc tế, nhất là vào buổi tối. Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), nhiều nguyên nhân khiến tuyến cáp quang biển bị đứt. Trong đó có thể kể đến sự cố kỹ thuật, địa hình và hoạt động địa chất dưới đáy biển, thời tiết, hoặc nhiều khi do hoạt động của tàu thuyền (thả neo, ...) ở các khu vực đông đúc mà cáp đi qua.

Để kết nối với Internet quốc tế, Việt Nam chỉ có cách dùng cáp quang biển, cáp quang đất liền. Các kênh kết nối khác đều dung lượng nhỏ. Do đó, các nhà mạng phải thích ứng với sự cố cáp biển bằng cách sử dụng nhiều tuyến cáp khác nhau và đưa ra quy trình bù đắp dung lượng kịp thời khi có sự cố.

Ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) cho biết, với hệ thống tuyến cáp biển quốc tế, đa số các sự cố gián đoạn thông tin do 2 nguyên nhân phổ biến là lỗi dò nguồn và lỗi đứt cáp. Trong đó 70-80% các lỗi này do tác động của hoạt động hàng hải, một số ít còn lại có thể do ảnh hưởng của thảm họa tự nhiên như động đất, núi lửa, hiện tượng cát trượt dưới lòng đại dương... hoặc yếu tố chủ quan của con người trong quá trình vận hành khai thác.

Thực tế, cáp quang biển là những sợi dây cáp được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Hệ thống nhánh cáp rẽ vào các quốc gia thường nằm trong vùng nhiều tàu thuyền tấp nập qua lại, mực nước tương đối nông nên rất dễ bị tác động bởi mỏ neo của tàu thuyền, hay quá trình đánh bắt cá của ngư dân. Dù ở các khu vực gần trạm cập bờ, các tuyến cáp đã được củng cố, gia cường nhưng tình trạng đứt cáp, dò nguồn khi các con tàu thả neo trúng cáp vẫn thường xảy ra.

Đồng quan điểm, một chuyên gia khác bày tỏ, vấn đề giao thương khai thác trên biển trong khu vực lãnh hải của Việt Nam khá nhộn nhịp, phức tạp cũng làm gia tăng khả năng gây ra sự cố. 

Giải pháp của nhà mạng 

Đại diện FPT Telecom cho hay, các nhà mạng ở Việt Nam khi sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống sự cố xảy ra. Tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp chứ không tập trung ở một hoặc hai tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro.

Với FPT Telecom, trong 2 năm gần đây, nhà mạng này đã tăng lưu lượng băng thông quốc tế hơn gấp đôi để dự phòng cáp quang biển gặp sự cố liên tục do nhiều các nguyên nhân khác nhau. Ngay khi sự cố xảy ra, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ, đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất.

2-3 năm tới, chúng ta sẽ có thêm một số tuyến cáp quang biển mới. Vị đại diện FPT Telecom tin rằng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ bổ sung vào băng thông tuyến quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam.

Còn theo thông tin của VNPT, quang biển AAG bị đứt mới đây gây mất 1440G lưu lượng từ VNPT đi Hong Kong. Sự cố có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ Internet quốc tế của khách hàng. VNPT lập tức thực hiện phương án khắc phục là điều chỉnh lưu lượng qua các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng dịch vụ của khách hàng. Thời gian qua VNPT liên tục định tuyến, tối ưu mạng lưới để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Đại diện Viettel cho biết, các sự cố trên tuyến cáp AAG gần như không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của Viettel do lưu lượng quốc tế của Viettel đi qua tuyến này gần như không đáng kể. Với tuyến cáp biển AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) có hiện tượng chập chờn do sự dao động nguồn tại điểm cập bờ ở Hong Kong, gây gián đoạn quá trình kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế qua hướng này. Vì nguyên nhân ở vấn đề điện trở tiếp xúc với nước trên điểm dò nguồn nên theo Ban quản trị tuyến cáp, phương án xử lý là sửa chữa lỗi dò nguồn, hoặc có thể xem xét thêm giải pháp cấu hình lại nguồn.

Để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng, Viettel đã kịp thời bổ sung, tăng cường thêm khoảng 1,6 TB dung lượng băng thông quốc tế. Lưu lượng kết nối hiện nay được Viettel định tuyến chuyển sang các hướng khác đang hoạt động bình thường. Quá trình phân bổ, điều chuyển lưu lượng quốc tế giữa các tuyến cáp được hệ thống của Viettel thực hiện tự động để kịp thời duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng Viettel và cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên tuyến cáp biển AAE-1.

Tuy nhiên, sự cố đồng thời trên hai hướng cũng có thể khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào khung giờ cao điểm (19h - 22h). Các sự cố trên cáp quang biển quốc tế không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng các nền tảng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ (server) đặt tại Việt Nam, do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước (không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế).

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hồng Kông, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng. 

Cáp quang biển AAE-1 dài 23.000 km, mới được đưa vào khai thác tháng 7/2017, vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi HongKong và Singapore.

Việt Nam hiện có bốn tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại trạm Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng.

Thanh Hải

Tin mới