Thời gian qua, các không gian di sản như tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm… đã được tái tạo hành những tổ hợp sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng, du khách trong nước và quốc tế. Đây là những tín hiệu mừng khi di sản văn hoá đô thị, di sản văn hoá công nghiệp có được sự quan tâm của toàn xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn hoá nói chung và di sản văn hoá nói riêng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, đặc biệt kể từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.
Ông nói: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Tôi nghĩ, chính di sản văn hoá là yếu tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hoá, giúp chúng ta có được sự tự tin và bản lĩnh để khẳng định những giá trị của dân tộc mình trong quá trình hội nhập quốc tế".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hoá của quốc gia.
Ở quy mô quốc gia, nhận thức về di sản đã được chuyển biến thành quyết tâm sửa Luật Di sản văn hoá đang được Chính phủ dự thảo, hay Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, ở đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá là một cấu phần chính... Ở quy mô địa phương là những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã có những thành tựu đáng ghi nhận.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng lấy dẫn chứng Hà Nội là một trong những địa phương chú trọng đầu tư phát triển văn hoá, di sản với kinh phí 14.000 tỷ đồng.
Thực tế, nhiều di sản văn hoá có sức sống mới, thu hút sự quan tâm của du khách như Hoả Lò với Đêm thiêng Liêng, tour đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Tinh hoa Đạo học, hay gần đây là cách thức làm mới những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu…
"Tất cả cho chúng ta thêm tự tin về việc phát huy giá trị di sản văn hoá, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Tái tạo các không gian di sản như tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm… thành những tổ hợp sáng tạo, thẩm mỹ thu hút sự quan tâm của công chúng.
Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lưu ý việc gìn giữ di sản đô thị, di sản công nghiệp là cần thiết. Đặc biệt trong thời điểm, quá trình đô thị hoá đang gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ là quá tải về hạ tầng đô thị với nạn tắc đường, ô nhiễm… mà còn cả tình trạng lãng quên nguồn gốc của chính mình.
"Những ví dụ khôi phục không gian của Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm giúp chúng ta hiện thực hoá giấc mơ kể lại câu chuyện quá khứ đó, đồng thời biến giấc mơ này trở nên sống động, hấp dẫn hơn, đồng thời có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống hạnh phúc, đáng sống ở đô thị.
Ví dụ này sẽ truyền cảm hứng cho các đô thị khác gìn giữ những di sản công nghiệp của mình, góp phần đưa đi sản trở thành một trong những trọng tâm trong quy hoạch, phát triển các đô thị hiện tại cũng như trong tương lai", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói thêm.
Vì thế, không thể chậm trễ trong việc bảo vệ các di sản đô thị, di sản công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn vì di sản đô thị, di sản công nghiệp là những khái niệm mới, chưa có trong Luật Di sản văn hoá.
Dù UNESCO đã có những văn bản hướng dẫn cho loại hình di sản đặc biệt này nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả quy định về pháp luật, di sản công nghiệp chưa được chú ý đầy đủ. Chính khoảng trống về nhận thức và pháp lý này khiến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Không gian bên trong Tháp nước Hàng đậu được chỉnh trang, cải tạo và mở cửa cho khách tham quan.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng điều quan trọng vẫn là nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc đầu tư bảo vệ cho di sản là đầu tư cho phát triển, có tác động lan tỏa cho sự phát kinh tế - xã hội chung của đất nước. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quan điểm này.
"Bên cạnh Luật Di sản văn hóa, việc huy động nguồn lực xã hội cần có sự hỗ trợ của các hành lang pháp lý như luật thuế, luật đất đai, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Chúng ta phải làm cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tầm đầu tư cho di sản thấy được lợi ích thực sự của họ, cả lợi ích vật chất và tinh thần, thì mới huy động nguồn lực một cách bền vững được.
Những ví dụ gần đây của sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho chúng ta niềm tin rằng, nguồn lực xã hội rất lớn.
Không những thế, nguồn lực đó còn đến từ tình yêu dành cho văn hoá, đi sản của đất nước, vì thế, nếu biết cách khơi thông nguồn lực, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng là cho sự phát triển bền vững đất nước".