Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam và Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang là lối sống, thói quen được hình thành qua nhiều thế hệ, được công nhận như một phần trong nếp sống của cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang, bao gồm các nghi lễ trong giai đoạn sinh, trưởng thành và chết.
Những nghi thức thực hiện lễ nghi mang tính đặc sắc và đặc trưng riêng. Cụ thể, trong giai đoạn sinh, có 2 nghi lễ tiêu biểu là lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ. Trong giai đoạn trưởng thành, có lễ cưới và khi chết, có các nghi thức dành cho người quá cố.
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang có giá trị lịch sử, kết nối cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống. Thông qua nghi lễ, chúng ta có thể biết nguồn gốc lịch sử của người Chăm, quá trình di cư và tụ cư của họ tại tỉnh An Giang.
Đám cưới người Chăm được tái hiện trên sân khấu.
Nghi lễ cũng giúp cho mối thân tình giữa các thành viên trong cộng đồng người Chăm ngày càng được gắn kết. Đây cũng là môi trường để lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Chăm Islam.
Nghi lễ vòng đời được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bởi mang giá trị xã hội sâu sắc. Đó là mối quan hệ huyết thống, dòng tộc, làng xóm, khu vực và cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc… Ngoài ra, nó còn thể hiện trên giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhiều giá trị khác.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm
Bên cạnh nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam, thị xã Tân Chân còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh một loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác đó là nghề dệt thủ công truyển thống của đồng bào dân tộc Chăm xã Châu Phong.
Đây là nghề thủ công truyền thống hết sức độc đáo xuất hiện ở vùng đất An Giang từ khoảng những năm đầu của thế kỷ 18, khi người Chăm mới đến cư ngụ.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử dân tộc.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Những sản phẩm dệt thổ cẩm nhằm phục vụ cho sinh hoạt thường ngày và tôn giáo, trong các nghi lễ chu kỳ đời người của đồng bào Chăm An Giang.
Lễ công bố quyết định ghi danh nghi lễ "Vòng đời của người Chăm Islam và Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". (Ảnh: Diệp Thế Nhân).
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là tài sản vô giá do cha ông để lại mà còn là động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, An Giang đã có 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia là: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer và lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam (thị xã Tân Châu và huyện An Phú) và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.