Chiều 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp báo thông tin về việc phòng chống lũ thời gian qua.
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng Cục trưởng cục PCTT và ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia chủ trì cuộc họp.
Phóng viên các báo đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề thiệt hại do mưa lũ, dự báo mưa bão cùng việc xả nước ở các hồ thủy điện...
Tại buổi họp, phóng viên các báo đã đặt nhiều câu hỏi dành cho đại diện cơ quan chức năng trong công tác phòng chống cũng như cứu hộ, cứu nạn vừa qua.
- Thông tin nói mưa lũ bất thường, trái mùa, nước về hồ bất ngờ, dự báo mưa có vấn đề hay không?
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn. Dự báo của thế giới ít có dự báo chính xác lượng mưa đến từng mm, chỉ dự báo lượng mưa to hoặc nhỏ. Chúng tôi cũng nhận thức dự báo lượng mưa định lượng là rất quan trọng và cố gắng đưa ra được về định lượng mưa trong bản tin của mình. Các bản tin liên tục được cập nhật. Càng gần sát khu vực thì càng chính xác hơn.
Đợt áp thấp vừa qua gây mưa rộng từ Quảng Nam ra đến Hòa Bình, Yên Bái. Chia làm 2 đợt mưa trước và sau áp thấp. Dự báo cơ bản sát với thực tế. Tuy nhiên có nhiều yếu tố gây mưa cực đoan ở Hoà Bình chỉ trong vòng 6 tiếng với gần 300 mm, có ngày lên tới 500 mm.
Ứng phó với lượng mưa cực đoan càng khó. Hoàn lưu sau bão thường mưa nửa đêm về sáng. Các bản tin buổi chiều rất quan trọng, vì vậy chỉ có thể dự báo xa. Tại thời điểm này rất khó khăn ứng phó và truyền tin.
Để khắc phục là bài toán khó, nhưng phải cải thiện dần từng bước, trong đó từ hệ thống quan trắc, giám sát từ xa, cảnh báo hiện đại, sử dụng khoa học công nghệ mới để kịp thời có thông tin ứng phó, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia: Dự báo càng gần thời điểm áp thấp đổ bộ thì càng chính xác, càng xa thì độ chính xác sẽ giảm bớt. Giống như bắn súng, anh càng cách mục tiêu xa thì càng kém chuẩn xác.
- Thống kê thiệt hại ngày hôm qua có sự khác nhau giữa các cơ quan. Văn phòng Ban chỉ đạo PCTT nói chết 38 người còn Uỷ ban Quốc gia tình kiếm cứu nạn thông tin có 46 người chết?
Ông Trần Quang Hoài, Uỷ viên thường trực ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng Cục trưởng cục PCTT: Do sự cập nhật giữa các cơ quan có sự vênh nhau, đôi khi có sự sai sót không chính xác. Ví dụ như sạt lở ở Đà Bắc (Hoà Bình), lúc đầu có sự cung cấp thông tin không chính xác nên có sự khác nhau giữa cơ quan.
Dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn. Dự báo của thế giới ít có dự báo chính xác lượng mưa đến từng mm, chỉ dự báo lượng mưa to hoặc nhỏ.
Ông Hoàng Đức Cường
- Bão số 10 mạnh như vậy nhưng chỉ khiến 6 người chết, còn áp thấp nhiệt đới thiệt hại đến 55 người (đến thời điểm này). Điều này có nguyên nhân chủ quan không?
Ông Trần Quang Hoài: Đối với thiệt hại về người lớn nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Yên Bái, Hoà Bình. Cái này có yếu tố nguyên nhân chủ quan.
Chúng ta đi đường thấy người dân xây rất nhiều nhà ven sông suối, ven núi. Theo thống kê điều tra của chúng tôi thì khu vực miền núi có tới 100.000 ngôi nhà phải di dời vì ở gần núi, bờ sông, suối nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao. Cái này do đặc thù địa hình, do thiếu đất ở. Chính phủ đã có đề án di dời, nhưng chưa có kinh phí.
Bên cạnh đó, khu vực miền núi hệ thống thông tin hạn chế, nhiều khu vực không đến được. Trong thời gian tới phải phát huy tổng lực các hệ thống thông tin, trong đó có báo chí. Hiện những vùng không có truyền hình thì rất khó khăn.
- Quy trình vận hành liên hồ chứa đã có, nhưng vừa rồi làm quy trình ngược. Tại sao dừng phát điện Sơn La, mở 8 cửa xả đáy Hoà Bình. Làm như vậy có phù hợp?
Ông Trần Quang Hoài: Theo quy trình vận hành, từ 5-7/10 được tích đến cao trình 117 m. Khi lũ về thì được phép xả 6 tiếng 1 lần. Nhưng tại điều 12 của quy trình vận hành, nếu tình huống khẩn cấp được xả cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình.
Đối với thuỷ điện Hoà Bình vừa rồi cũng vậy, nếu hồ không an toàn thì sẽ gây thảm hoạ. Tôi có ở hồ lúc đó, nước đã vượt qua cửa van tum, nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van thì tác hại không lường được. Việc xả lũ vừa rồi hoàn toàn đúng quy trình.
Hình ảnh mưa lũ ở Yên Bái. (Ảnh: PLO)
Còn đóng hồ Sơn La, đây là hành động linh hoạt, chính xác. Vì nếu không đóng sẽ gây áp lực thêm cho hồ Hoà Bình, có thể khiến hồ này phải xả đến 9-10 cửa xả đáy. Đợt lũ này rất đặc biệt chỉ mưa khu vực hồ Hoà Bình, còn ở Sơn La thì lượng mưa ổn định. Hơn nữa, đập Sơn La an toàn, vững chắc hơn có dung tích siêu cao, đảm bảo cắt lũ cho hạ lưu.
- Quy trình này có vấn đề không, tới đây có thay đổi không?
Ông Trần Quang Hoài: Theo Quy trình vận hành liên hồ thì đến ngày 15/9 hàng năm chúng tôi giao cho các đơn vị làm thuỷ điện chủ động. Ban chỉ đạo chỉ chỉ đạo chung. Nhưng thời tiết năm nay mưa lũ muộn, rất bất thường, chúng tôi sẽ đề nghị thay đổi cho phù hợp với diễn biến phức tạp của thời tiết.
- Bão 11 sắp đổ bộ, phương án đối phó thế nào?
Ông Trần Quang Hoài: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn, bão đã vào Biển Đông, đang tiếp thêm năng lượng và có thể giật trên cấp 13. Hiện, ta chưa dự báo chính xác lượng mưa như thế nào.
Các hồ chứa hiện tại gần như đầy nước. Ví dụ ở Nghệ An, Hoà Bình các hồ đều có mức nước đầy. Biện pháp đang làm là các hệ thống hồ chứa xung yếu thì hạ thấp mực nước. Hệ thống đê điều đang gấp rút tu sửa, khắc phục, cộng thêm tuần tra, canh gác.
Hiện hệ thống đê điều của ta khá hạn chế, còn nhiều tuyến xung yếu. Mặc dù vậy, Ở Thanh Hoá, Ninh Bình dù vượt đỉnh lũ nhưng chúng ta không phải huỷ đê phân lũ vào khu vực khác, nếu không hậu quả sẽ rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 93 người chết và mất tích, 31 người bị thương. Cụ thể, 54 người chết gồm: Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Hòa Bình 18 người, Thanh Hóa 14 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người. 39 người mất tích gồm: Sơn La 2 người, Yên Bái 16 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 5 người, Quảng Trị 1 người.
Đợt mưa lũ lịch sử cũng làm 189 ngôi nhà bị sập; ngập 30.827 nhà; 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp. Lũ lớn, một số sông vượt đỉnh lũ lịch sử, đã xảy ra trên 60 sự cố trên các tuyến đê ở Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định.
Về nông, lâm nghiệp, lúa bị ngập thiệt hại 22.926ha; ngô, hoa màu, rau màu bị thiệt hại 29.192ha; cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung 16.303ha. Về chăn nuôi, gia súc bị chết, cuốn trôi 5.747 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi 174.793 con.
Video: Lý giải sức tàn phá khủng khiếp của đợt mưa lũ lịch sử ở miền Bắc