Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hoặc tàn phế về sau.
Trước khi xảy ra đột quỵ, người bệnh thường có các triệu chứng như: tê và yếu mặt, liệt một tay, chân hoặc một bên cơ thể, nói khó hiểu hoặc khó nói, đi lại khó khăn, mất thăng bằng và gặp các vấn đề về phối hợp.
Dưới đây là những việc nên làm và không nên làm khi gặp người bị đột quỵ.
Nên làm
- Khi thấy người bị đột quỵ hoặc nghi ngờ đột quỵ, đầu tiên nên gọi cho cơ sở y tế để người bệnh được cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc người bệnh được cấp cứu sớm giúp điều trị kịp thời hạn chế được các di chứng về sau.
- Để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật.
- Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.
- Nói chuyện với bệnh nhân, trấn an họ bình tĩnh đợi bác sĩ đến.
- Kiểm tra mạch của người bệnh và đảm bảo rằng họ đang thở. Nếu cần có thể hô hấp nhân tạo.
Khi thấy người bị đột quỵ hoặc nghi ngờ đột quỵ, đầu tiên nên gọi cho cơ sở y tế. (Ảnh: minh hoạ)
Không nên làm
Trong đột quỵ, một số điều bạn không nên làm, gồm :
- Nếu bạn không phải nhân viên y tế, trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong.
- Lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh
- Không cử động, lắc người bệnh
- Không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc
- Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả trong mùa lạnh
Đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay tàn phế về sau. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Một số chú ý sau mà chúng ta cần lưu ý:
1. Giữ ấm cơ thể: Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và không ổn; nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà..
2. Kiểm soát huyết áp: Đo huyết áp định kỳ, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, đường, muối.
4. Vận động thường xuyên: Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Bởi khi trời lạnh, cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định. Do vậy, việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức.
5. Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
6. Khám sức khỏe định kỳ: Chủ động tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ để đề phòng đột quỵ mùa lạnh.