Với những đặc trưng về văn hóa tiêu biểu, vùng đất này còn là nơi “ngự trị” của những món ăn ngon như: bánh pía, bún gỏi dà, bún vịt nấu tiêu, trong đó, không thể không nhắc đến món bún nước lèo đã gây nhớ nhung cho bao du khách khi lần đầu đặt chân đến đây.
Bún nước lèo Sóc Trăng với hương vị độc đáo, thơm ngon được nhiều người ưa thích. (Ảnh: Internet)
Vốn dĩ món ăn này được kết tinh từ văn hóa ẩm thực của cả ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer nên nước lèo cũng được chế biến rất công phu, cộng hưởng từ sự hòa quyện giữa mắm, sả và ngải bún.
Trong cách thức chế biến, nguyên liệu chính là mắm. Người bản địa thường dùng những loại mắm có sẵn tại địa phương như mắm cá sặc, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc. Kế đến là ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ), sả để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt cho nước lèo.
Các loại mắm - linh hồn của món bún nước lèo. (Ảnh: Internet)
Để có thể nấu món bún thơm ngon, người nấu thường sơ chế mắm trong một quy trình khá phức tạp. Mắm được nấu chín và rây lọc lấy nước trong. Bước tiếp theo là dùng nước này nấu cùng với sả và ngải bún trong khoảng thời gian nhất định. Sau cùng, người nấu cho thêm nước dừa vào để nước lèo thêm ngọt và trong. Dùng nước dừa trong các loại súp để thêm đậm đà, ngọt vị là phương thức nấu ăn quen thuộc của người Kinh ở Tây Nam Bộ.
Ăn kèm với bún nước lèo còn có cá lóc đồng “dẻ thịt” được luộc, tách thịt, bỏ xương; tép đất luộc chín bỏ vỏ và thịt heo quay xắt miếng - món ăn quen thuộc của người Hoa cũng được chế biến khá kỳ công.
Cá lóc đã tách thịt, tép luộc là những món ăn kèm không thể thiếu. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, góp phần làm tăng sự hấp dẫn của món ăn, các loại rau quen thuộc như giá, hẹ, rau muống bào, rau chuối, rau quế, rau thơm kèm gia vị chanh, ớt bằm, nước mắm ớt là những gia vị không thể thiếu, góp phần cho món ăn thêm phần độc đáo. Bún nước lèo Sóc Trăng là món đặc sản mà bạn nhất định phải thử qua khi có dịp du lịch miền đất Tây Nam Bộ.