Rêu đá - một sinh vật tồn tại hoang dại ngoài thiên nhiên, qua bàn tay chế biến của con người lại trở thành món đặc sản. Có thể tìm thấy món ăn này ở nhiều tỉnh thành ở nước ta, đặc biệt là các vùng miền núi Tây Bắc. Chúng ta sẽ tìm về Phú Thọ để xem người Mường chế biến món rêu này như thế nào.
Rêu đá - món ngon của vùng đất Tổ. (Ảnh minh họa)
Rêu đá Phú Thọ là loài rêu nhơn nhớt, nhầy nhậy mọc trên những phiến đá dưới lòng suối. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, rêu đá chính là món ăn cứu biết bao đồng bào dân tộc miền núi thuộc xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thoát khỏi cái đói. Nhưng bây giờ, bà con có thể tự hào giới thiệu với du khách đây là loại đặc sản có 1-0-2.
Rêu đá thường mọc ở những tảng đá ở suối. (Ảnh: Hữu Long)
Với bà con thuộc các xã Đồng Sơn, Thu Cúc, Phượng Cửu, rêu đá là loại rau sạch. Khi tiết trời sang thu, các cô gái trong thôn bản sẽ đi bắt rêu ở các con suối. Suối càng chảy xiết, rêu càng sạch và non. Rêu sau khi được bắt sẽ được bện thành những dây dài, sau đó rửa lại thật sạch bằng nước suối rồi đem đi đập trên đá. Công đoạn sơ chế tốn khá nhiều thời gian mới có thể loại bỏ hết bụi bẩn, vì vậy cần người thực sự kiên nhẫn.
Phải chọn những tảng đá to, nơi suối chảy xiết mới tìm được loại rêu non và sạch. (Ảnh: TX Phú Thọ)
Rêu được đập nhiều lần để loại bỏ chất bẩn. (Ảnh minh họa)
Quá trình sơ chế rất kỳ công. (Ảnh: Hoàng Yên)
Người Mường thường gói rêu vào trong lá chuối, lá dong hay lá đu đủ rồi vùi vào trong lớp than đỏ hồng. Trước khi nướng, rêu được ướp với gia vị như muối, bột ngọt, mỡ lợn, hành lá và tỏi thái lát. Rêu nướng chín có mùi hơi nồng, vị béo ngậy, rất mềm mà không bị ngấy. Tỏi, hành góp phần làm tăng thêm hương vị cho món ăn, khiến thực khách ăn mãi mà chẳng biết chán.
Rêu được gói vào lá và đem đi nướng. (Ảnh: @chie_be_brave)
Rêu đá sau khi nướng có mùi thơm đặc trưng, vị béo và ngậy. (Ảnh: Thơm Mỹ)