Trả lời VTC News, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour, cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau hai tháng du lịch mở cửa chủ yếu là những nhóm khách nhỏ hoặc người có công việc vào Việt Nam kết hợp du lịch, chưa có những đoàn khách lớn.
"Giai đoạn này chỉ có những nhóm khách nhỏ lẻ hoặc người vào Việt Nam có công việc kết hợp đi du lịch, vì thế lượng khách quốc tế trong 2 tháng qua vẫn vắng vẻ. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga và Trung Quốc…do tình hình dịch bệnh và chiến sự", ông Dũng nói.
Khách quốc tế vào Việt Nam vẫn lẻ tẻ, lác đác. (Ảnh minh họa)
Theo ông Dũng, có nhiều yếu tố khiến Việt Nam vẫn vắng khách quốc tế. Đầu tiên phải kể đến tình hình dịch bệnh hình thành thói quen "ngại" đi du lịch ngoài biên giới. Ngoài ra, xung đột chính trị, vật giá leo thang, lạm phát bao trùm trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của khách, khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.
Thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, đặc thù của nguồn khách này là thường lên kế hoạch tìm hiểu và chuẩn bị trong thời gian dài. Trong khi đó, Việt Nam mới mở cửa nên chắc chắn du khách sẽ cần thời gian theo dõi.
Chính vì thế, theo CEO Fiditour, để du lịch phục hồi ngay lúc này như lúc trước khi có dịch là chuyện không thể, thậm chí trong vòng 3 - 4 tháng tới cũng khó.
Mới đây, tại hội thảo Phục hồi và Phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 4 tháng đầu năm, thị trường hàng không quốc tế chỉ đạt gần 7% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch), cả năm 2022 dự báo mới đạt khoảng 1/3 so với năm 2019. Điều này chứng tỏ khách quốc tế sang Việt Nam chưa nhiều.
Còn theo GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện tại có một số dự báo về quy mô phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022 nhưng kịch bản trung bình với tính khả thi cao là năm 2022 thị trường hàng không đón 4.243 triệu lượt hành khách, trong đó dự báo sẽ có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách nội địa sẽ gần như phục hồi hoàn toàn, đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch. Nhưng thị trường quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019 và sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi.
Cần thêm gói hỗ trợ từ Chính phủ
Kỳ vọng du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào thời điểm cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, ông Trần Thế Dũng cho rằng để đạt được mục tiêu này, cần có những chính sách và sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc công ty CP lữ hành Fiditour. (Ảnh: Fiditour)
“Nếu giai đoạn đầu chúng ta làm tốt, có sự chuẩn bị kỹ thì giai đoạn sau lượng khách vào Việt Nam sẽ tốt hơn. Từ đó chúng ta có thể dễ dàng rút ngắn giai đoạn phục hồi. Nếu chúng ta không tận dụng được, làm ì ạch thì các giai đoạn sau sẽ chậm chạp và không thể phục hồi như kỳ vọng”, ông Dũng nói.
CEO Fiditour nêu ví dụ, thời gian qua các doanh nghiệp lữ hành rất nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, cũng như là các chính sách mở cửa thông thoáng để đón khách tới đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, kiểu quảng bá nhỏ lẻ, tự phát thì chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường. Do đó cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia, không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà cả trên các phương tiện báo đài truyền thông quốc tế.
Ông Trần Thế Dũng nói: “Để quảng bá du lịch Việt Nam an toàn sau đại dịch, chúng ta cần mời các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, các công ty du lịch hàng đầu của thế giới tới Việt Nam trải nghiệm du lịch, cho họ thấy đất nước chúng ta thật sự an toàn. Việt Nam đã trở lại bình thường, người dân cũng không còn e dè với dịch bệnh, khách du lịch hoàn toàn tự do trong lãnh thổ Việt Nam. Để phát ngôn hiệu quả thông tin đó, chỉ có thể là Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp ngành du lịch”.
Hiện Việt Nam phải cạnh tranh với những thị trường khác trong khu vực. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Indonesia…cũng đã mở cửa và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế. Họ đưa ra những chính sách hấp dẫn, nếu chúng ta không có chính sách thu hút hơn thì chúng ta sẽ mất lượng lớn khách.
Mới đây, phát biểu thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cũng băn khoăn về việc du lịch đã mở cửa hoàn toàn nhưng hiện khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều.
"Rõ ràng ngành du lịch đang gặp nhiều thách thức, các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành đã hết sức kiệt quệ, khoảng 50% công ty vận tải hành khách du lịch đã đóng cửa vì dịch bệnh, nợ ngân hàng và gần đây là giá xăng dầu tăng cao kỷ lục", ông Sơn nói.
Trong khi đó, các nhà hàng, khách sạn thì mở cửa dè dặt, vì họ thấy rằng không thể trông đợi ở một, hai kỳ khách ầm ầm đến như 30/4 - 1/5 hay các kỳ nghỉ lễ để sống sót được.
“Họ không thể "mài dao cả năm chỉ để chém khách trong vài buổi". Họ đang thực sự khó khăn, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ lại kết thúc vào tháng 6/2022. Nếu họ không tiếp tục nhận được gói hỗ trợ trong năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, còn nhiều doanh nghiệp du lịch, vận tải lữ hành đóng cửa”, Đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng Chính phủ tiếp tục nên có gói những hỗ trợ cho ngành công nghiệp không khói này. Chẳng hạn trước đây có giảm tiền điện cho du lịch, nhưng thời điểm miễn giảm thì hầu hết các doanh nghiệp cũng đóng cửa không hoạt động, không sử dụng điện nên chính sách này trở nên vô nghĩa. Tiếp theo là các khoản miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ cũng chỉ đến hết tháng 6/2022.
“Các doanh nghiệp du lịch rất mong muốn Chính phủ có những giải pháp cụ thể như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm nay, mà giảm trong những năm tiếp theo; cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, áp dụng việc miễn visa cho khách du lịch đến từ nhiều quốc gia, miễn visa thời gian 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay”, ông Sơn nói.
“Nếu chúng ta suy nghĩ dài hơi hơn, có cách làm bài bản hơn đối với ngành du lịch thì ngành này góp phần tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội một cách mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.