Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Du lịch không thể mãi cảnh 'mài dao cả năm, chém khách vài ngày'

(VTC News) -

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, du lịch Việt Nam vẫn trong tình trạng phát triển manh mún, "mài dao cả năm" chỉ để "chém khách" trong vài ngày nghỉ hè hay nghỉ lễ.

Sáng 25/5, phát biểu thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) nêu thực trạng "mài dao cả năm, chém khách vài ngày" của ngành du lịch Việt Nam. 

Ông Sơn dẫn giải, trong số 100% khách du lịch đến Việt Nam từ các nước Đông Bắc Á thì có đến 70% gần như không quay trở lại. Nguyên nhân là các điểm đến, các gói dịch vụ đi kèm của du lịch Việt Nam chưa thực sự thu hút du khách. Ngoài ra, cung cách, thái độ phục vụ của một bộ phận công ty du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên, ngành dịch vụ vẫn còn mang tính manh mún, chộp giật.

Để thoát khỏi cảnh này, ngành du lịch phải tính đến chuyện thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế, một cách lâu dài, bền vững bằng các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, tác phong phục vụ, đồng thời Chính phủ cần quan tâm và gia tăng các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế cho ngành này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đứng) cho rằng: "Nếu chúng ta có cách làm bài bản hơn đối với ngành du lịch thì du lịch cũng góp phần tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội một cách mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Ông Sơn băn khoăn về việc du lịch đã mở cửa hoàn toàn nhưng hiện khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều. Tất nhiên chúng ta cũng phải cần có khoảng thời gian nhất định, chứ không phải mở cửa là khách đến ngay, nhưng rõ ràng đây là điều đáng bận tâm. "Rõ ràng ngành du lịch đang gặp nhiều thách thức, các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành đã hết sức kiệt quệ, khoảng 50% công ty vận tải hành khách du lịch đã đóng cửa vì dịch bệnh, nợ ngân hàng và gần đây là giá xăng dầu tăng cao kỷ lục", ông Sơn nói.

Trong khi đó, các nhà hàng, khách sạn thì mở cửa dè dặt, vì họ thấy rằng không thể trông đợi ở một, hai kỳ khách ầm ầm đến như 30/4 - 1/5 hay các kỳ nghỉ lễ để sống sót được.

“Họ không thể "mài dao cả năm chỉ để chém khách trong vài buổi". Họ đang thực sự khó khăn, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ lại kết thúc vào tháng 6/2022. Nếu họ không tiếp tục nhận được gói hỗ trợ trong năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, còn nhiều doanh nghiệp du lịch, vận tải lữ hành đóng cửa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về vai trò lan tỏa quan trọng của du lịch, ông Sơn phân tích, khi mà du lịch phát triển thì các lĩnh vực khác như ẩm thực, khách sạn, giao thông… cũng sẽ phát triển theo.

Do đó, ông Sơn cũng như các Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ tiếp tục có gói hỗ trợ cho ngành công nghiệp không khói này. Chẳng hạn trước đây có giảm tiền điện cho du lịch, nhưng thời điểm miễn giảm thì hầu hết các doanh nghiệp cũng đóng cửa không hoạt động, không sử dụng điện nên chính sách này trở nên vô nghĩa. Tiếp theo là các khoản miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ cũng chỉ đến hết tháng 6/2022.

“Các doanh nghiệp du lịch rất mong muốn Chính phủ có những giải pháp cụ thể như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm nay, mà giảm trong những năm tiếp theo; cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, áp dụng việc miễn visa cho khách du lịch đến từ nhiều quốc gia, miễn visa thời gian 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay”, ông Sơn nói.

“Nếu chúng ta suy nghĩ dài hơi hơn, có cách làm bài bản hơn đối với ngành du lịch thì ngành này góp phần tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội một cách mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

PHẠM DUY – QUANG TUYỀN

Tin mới